Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Hà Nội vẫn vững chắc về kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 08:59, 09/12/2020
Nổi bật, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng khoảng 3,98%, cao gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 280.000 tỷ đồng, vượt mức dự toán và tăng 3,5% so với năm 2019.
Kết quả nêu trên đã được Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích tại cuộc làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 4-12-2020.
Tăng trưởng kinh tế đang cao hơn 1,5 lần cả nước
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6,8%; trong điều kiện thu ngân sách nhà nước năm 2019 vượt 9,9% so với dự toán, mục tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2020 cũng được xác định ở mức cao.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, cùng với thiên tai và dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách và đời sống nhân dân nói chung. Tại thời điểm tháng 8-2020, qua làm việc với một số địa phương, Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội khả năng thu ngân sách chỉ đạt 87,5% dự toán, hao hụt khoảng 190.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và đặc biệt là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương có đóng góp lớn trong nguồn thu cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tình hình ngày càng khả quan.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 có thể đạt 2,5-3%. Mặc dù thấp hơn mục tiêu, nhưng vẫn là điểm sáng của khu vực. Thu ngân sách nhà nước đến tháng 11 cũng đã đạt 83,4% dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp tích cực của UBND thành phố với các bộ, ngành, địa phương, Hà Nội đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài chính, ngân sách. Đặc biệt là năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội vẫn cho thấy sự ổn định và vững chắc về kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 của thành phố duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng GDP bình quân chung của cả nước: Năm 2016, GRDP Hà Nội tăng 7,16%, trong khi GDP cả nước là 6,21%; năm 2017, Hà Nội tăng 7,37%, trong khi cả nước tăng 6,71%; năm 2018, Hà Nội tăng 7,46%, cả nước tăng 7,08%; năm 2019, Hà Nội tăng 7,63%, cả nước tăng 7,02%; năm 2020, Hà Nội dự kiến tăng 3,98%, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước (dự kiến ở mức tăng 2,5-3%).
Hà Nội vượt dự toán thu ngân sách
Về thu ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong điều kiện khó khăn như vậy, Hà Nội đã cho thấy nỗ lực rất lớn của đầu tàu kinh tế. Với đà này, năm 2020, riêng phần thu nội địa của thành phố đã đạt khoảng 91% dự toán; nếu tính cả phần thu của Trung ương trên địa bàn thì Hà Nội sẽ vượt dự toán. Đây là kết quả ấn tượng, trong khi thu ngân sách nhà nước năm 2020 của các tỉnh, thành phố trên cả nước bình quân chỉ đạt khoảng 93-95% dự toán.
Thu ngân sách nhà nước của Hà Nội đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách cả nước; trong khi thu nội địa của thành phố (không kể dầu thô) đóng góp tới 21% tổng thu của cả nước. Do quy mô nền kinh tế, thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh thường cao hơn Hà Nội khoảng 100.000 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, thu nội địa của Hà Nội đã tiến sát với thành phố Hồ Chí Minh.
Nhờ kết quả tích cực của năm 2020, thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội tăng bình quân 8,7%/năm; trong đó, thu nội địa tăng bình quân 9,7%/năm, cao hơn mức tăng chung cả nước (8,8%/năm). Việc duy trì mức tăng thu cao như vậy liên tục qua các năm, ngay cả khi khó khăn như năm 2020, cho thấy cơ cấu thu nội địa của Hà Nội rất ổn định và bền vững.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nhờ thu ngân sách của thành phố giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nên Hà Nội luôn có nguồn để bù cho các nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 của thành phố chiếm tới 40,8%, trong khi cả nước là 26,8%. Đặc biệt hơn, riêng năm 2020, Hà Nội chi đầu tư phát triển lên tới 49%. Đây là điều rất đáng mừng!”.
Trước đó, phân tích về tình hình thu ngân sách của thành phố Hà Nội, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo rất tích cực, qua đó đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước. Cụ thể, thu trên địa bàn Hà Nội lũy kế đến tháng 11 đạt 206.712 tỷ đồng, tương đương 79,4% dự toán và bằng 95,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức cao so với một số tỉnh, thành phố đang điều tiết ngân sách về Trung ương, như thành phố Hồ Chí Minh đạt 77,2%, thành phố Hải Phòng đạt 73,2%, tỉnh Vĩnh Phúc đạt 67,6%, tỉnh Khánh Hòa đạt 64,6%...
Kết quả trên của Hà Nội càng ấn tượng hơn khi trong năm 2020, mặc dù rất khó khăn, thành phố vẫn giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất, chiếm 30,4% của cả nước.
Năm 2020, nhờ thực hiện tốt cung ứng hàng hóa, nhất là trong dịp Tết và hai đợt dịch Covid-19 bùng phát, các đợt kích cầu thương mại, nên các hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát.
Tổng mức bán lẻ ước tính tăng 2,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5%; tăng trưởng ngành dịch vụ đạt khoảng 3,1%. Bình quân 5 năm 2016-2020, tăng trưởng dịch vụ ước đạt 6,36%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 9,18%, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011-2015. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 ước tăng khoảng 2,73-2,79%.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Hà Nội, tăng 4,2% - cao hơn mức tăng chung và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.