Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 ưu tiên hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:01, 09/12/2020
Sáng 9-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao (HNCC) Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị còn có sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước Campuchia, Lào và Myanmar. Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao; Công Thương; Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế và Văn phòng Chính phủ.
Với chủ đề “Tăng cường kết nối hiệu quả vì hội nhập khu vực”, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện, cùng có lợi giữa bốn nước, cũng như quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển khu vực, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Điểm lại tình hình hợp tác kể từ HNCC CLMV 9 (Bangkok, Thái Lan, tháng 6-2018), các nhà lãnh đạo hoan nghênh các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2019-2020; đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, bộ, ngành bốn nước trong xây dựng các văn kiện quan trọng của hợp tác. Lãnh đạo Campuchia, Lào và Myanmar đều cảm ơn Việt Nam đã cung cấp học bổng thường niên cho sinh viên ba nước và mong muốn Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình học bổng này trong những năm tới.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Khung khổ phát triển CLMV” – tài liệu mang tính định hướng nhằm xây dựng khu vực CLMV thành trung tâm kinh doanh quốc tế và hướng đến mục tiêu trở thành các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao trong năm 2030. Lãnh đạo bốn nước cũng nhất trí tăng cường kết nối trên nhiều mặt vì sự phát triển bền vững, bao trùm của khu vực CLMV. Cụ thể, về kết nối cơ sở hạ tầng: Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao; nghiên cứu, triển khai các dự án kết nối về giao thông, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thông tin truyền thông và hạ tầng kỹ thuật số và bảo đảm tính bền vững về tài chính, xã hội và môi trường của các dự án.
Về kết nối thể chế và kinh tế vì sự phát triển bền vững: Thúc đẩy kết nối kinh tế và hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua: Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; nâng cao chất lượng hệ thống logistics liên quốc gia; hợp tác phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm; hợp tác phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, dịch vụ, hạ tầng cơ sở và các chương trình nâng cao năng lực; đẩy mạnh hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.
Về kết nối con người, tiếp tục triển khai các chương trình học bổng, chương trình liên kết giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo; công nhận lẫn nhau về bằng cấp giữa các nước CLMV; hợp tác thúc đẩy du lịch xanh, bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nhữnh thành tựu mà hợp tác CLMV đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh chỉ có đoàn kết và hợp tác mới giúp bốn nước CLMV vượt qua khó khăn và cùng nhau xây dựng khu vực CLMV năng động, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng nêu ba ưu tiên đối với hợp tác trong giai đoạn tới, gồm: Thứ nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai toàn diện, cụ thể để đạt các mục tiêu xác định trong “Khung khổ phát triển CLMV”. Thứ hai, đẩy mạnh kết nối chính sách để bổ trợ hiệu quả tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN, phát huy lợi thế của hợp tác, theo đó chú trọng: Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và người dân giữa các nước; kịp thời chia sẻ thông tin, phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các thỏa thuận và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và khai thác cơ hội từ các hiệp định tự do; phối hợp xây dựng các dự án chung và vận động các nguồn lực quốc tế; và xây dựng khung tham chiếu các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Thứ ba, tăng cường liên kết nâng cao năng lực sản xuất các ngành nghề chế biến và xuất khẩu nông sản, và hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng nông nghiệp khu vực.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo cấp cao bốn nước đã thông qua ba văn kiện gồm: Tuyên bố chung của hội nghị, tài liệu “Khung khổ phát triển CLMV” và danh sách 16 dự án ưu tiên của hợp tác. Các nước cũng nhất trí Myanmar sẽ chủ trì tổ chức HNCC CLMV lần thứ 11.