Đẩy mạnh thi đua, khơi dậy nguồn lực, tạo động lực mới phát triển đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 09:04, 10/12/2020
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Tới dự còn có các đồng chí nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và thành phố Hà Nội; đại biểu một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện đoàn ngoại giao; các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh.
Đặc biệt, tham dự Đại hội có 2.020 đại biểu chính thức đại diện cho các tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến, đại diện tiêu biểu trên các lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.
Mở đầu là chương trình nghệ thuật đặc sắc với những bài ca, điệu múa thấm đẫm tình yêu, niềm tự hào về lịch sử, quê hương, đất nước, con người; thể hiện ý chí quyết tâm và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua vững bước dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động. Nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực từ lực lượng vũ trang đến người dân, từ người già đến trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật đã làm cho thế giới cảm động, khâm phục.
Các phong trào thi đua đã góp phần động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Tinh thần thi đua, vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, với những kết quả đặc biệt, năm 2020, phải được xem là năm thành công nhất của đất nước trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để chúng ta thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, đó là không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.
Triển khai sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả
Trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2016-2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nêu rõ, nhận thức được vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước", Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng và phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong cả nước với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước; nổi bật là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
“Có thể nói, các phong trào đua trong giai đoạn 2016-2020 với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến. Trong 5 năm qua, các cấp, các ngành đã khen tặng 343.727 Huân chương, Huy chương; 25.920 danh hiệu Vinh dự Nhà nước (trong đó bao gồm cả nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú, nhân dân); 28 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 380 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
“Tại Đại hội này, có 2.020 đại biểu là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực và đại diện cho các tổ chức, cá nhân được khen thưởng trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, 60% là những người trực tiếp đang lao động, học tập trên các lĩnh vực; 24% đại biểu nữ; 19,5% đại biểu trẻ và 9,6% đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua yêu nước của đất nước trong 5 năm qua”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Đưa thi đua, khen thưởng trở thành động lực xây dựng con người mới
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm qua, chúc mừng các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội, những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua của cả nước.
Đề cập bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, khó khăn, thách thức còn nhiều, nhất là việc tái lây nhiễm và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; tác động ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu so với các nước phát triển; nguồn lực còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh...
“Cho nên, tuyệt đối không được tự mãn, chủ quan, không được để xảy ra những sơ suất không đáng có”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua phải có phương hướng đúng và vững”, "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, cũng ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc". Phong trào thi đua yêu nước thời gian tới cần hướng tới cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi về phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu để đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển...
Thống nhất với những chủ trương, giải pháp đã nêu trong báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số vấn đề chủ yếu.
Trong đó, đồng chí chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi đua khen thưởng thực sự là động lực, là biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác thi đua - khen thưởng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề. Đồng chí đề nghị, tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.
“Tôi muốn nói là tránh hình thức, vì còn nhiều việc hình thức lắm; làm cho thật thiết thực, mang lại hiệu quả cụ thể”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở.
Cũng theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đối tượng thi đua cần phải rộng rãi, bảo đảm hài hòa các lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; lợi ích của cả xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương; quan tâm và cụ thể hoá bằng các quy định về việc khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, sau Đại hội này, hơn 2.000 đại biểu là điển hình tiên tiến, anh hùng, chiến sĩ thi đua dự Đại hội tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt trong phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để những việc làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị thực hiện công tác thi đua - khen thưởng một cách hết sức công tâm, khách quan, trong sáng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.
Phát huy những thành tích đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 5 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, công tác thi đua - khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới quan trọng góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường
Tại Đại hội, các đại biểu xúc động và tự hào khi xem các phóng sự và phần giao lưu của các gương mặt tiêu biểu trong số hơn 2.000 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Tham gia giao lưu, Đại tá Mai Hoàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) chia sẻ về những hiểm nguy mà anh cùng đồng đội phải đối mặt trên mặt trận phòng, chống ma túy. Dù công việc vô vàn gian nan, và đôi khi nhiều cám dỗ nhưng anh luôn giữ bản lĩnh, ý chí của mình, nêu gương vì nhân dân phục vụ.
“Khi nhận những tấm huân, huy chương là vinh dự lớn, nhưng hãy xếp sang một bên để tiếp tục thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là anh hùng trong lòng nhân dân”, Đại tá Mai Hoàng chia sẻ.
Ông Võ Văn Bình (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) - người đã cứu sống hàng trăm người dân nhưng luôn từ chối hiện vật cảm ơn - mộc mạc chia sẻ: “Trong bão lũ, tôi chỉ biết giúp bà con, muốn làm việc thiện để họ trở lại cuộc sống bình thường”.
Ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật thành công ca tách dính cặp song sinh Trúc Nhi, Diệu Nhi (thành phố Hồ Chí Minh) cũng có mặt tại Đại hội. Đại diện cho ê kíp, Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A chia sẻ về những tiến bộ của y học Việt Nam, đồng thời khẳng định những thành công đưa nước ta lên bản đồ y khoa thế giới là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ý chí, quyết tâm, khát vọng và sự dũng cảm của chính những cá nhân, gia đình các cháu bé được phẫu thuật…
Cả hội trường vỡ òa niềm vui khi hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi xuất hiện vui tươi, khỏe mạnh, chập chững những bước đi đầu tiên bên bố mẹ, đánh dấu một quá trình phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác.
Chương trình giao lưu còn có em Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - đoạt Huy chương vàng kỳ thi Olympic toán quốc tế năm 2020; Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - nơi tuyến đầu chống Covid-19 đã không quản ngại khó khăn, góp phần đưa nước ta trở thành điểm sáng trong công tác ngăn ngừa, phòng, chống Covid-19…
Mỗi nhân vật giao lưu ở một lĩnh vực công tác khác nhau, song điểm chung của họ là sự dũng cảm, bản lĩnh và khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Khơi dậy nguồn lực, tạo động lực mới phát triển đất nước
Tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong đó đề ra 5 nội dung cần tập trung thực hiện.
Đó là, thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số.
Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025 khi còn dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc xin và giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vắc xin phòng dịch sớm nhất.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là 4 phong trào thi đua đã được Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”…
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phát biểu hưởng ứng phát động thi đua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, tỉnh Đồng Tháp sẽ nhanh chóng triển khai hiệu quả các đợt cao điểm thi đua, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể…
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo và đổi mới, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
“Chúng ta tin tưởng rằng sau Đại hội này, các phong trào thi đua yêu nước sẽ bám sát nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và hưởng ứng tích cực nội dung phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ; hăng hái thi đua, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn đã tặng hoa chúc mừng đại diện các cá nhân điển hình tiên tiến.