Tăng động lực phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 11/12/2020
Theo quy định hiện hành, giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mới được xét thăng hạng, hưởng lương đúng như bằng cấp đang có. Quy định này có nhiều bất cập bởi thực tế, trong quá trình đào tạo, giáo viên đã đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là không thiết thực. Đó là chưa kể, một số bộ môn không đòi hỏi cao về ngoại ngữ, tin học nên việc có chứng chỉ chỉ là hình thức, mang tính đối phó…
Việc bỏ yêu cầu chứng chỉ sẽ giúp giáo viên giảm áp lực, có thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu chuyên môn, song ngoại ngữ và tin học là hai kỹ năng quan trọng. Vì vậy, cùng với việc bỏ quy định về chứng chỉ, phải tính toán làm thế nào để tạo động lực cho giáo viên học tập, sử dụng ngoại ngữ, tin học thành thạo, từ đó hình thành đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Muốn vậy, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” và Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên về sự cần thiết phải học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học…
Bên cạnh đó, có những chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công việc này phải bám sát nhu cầu của từng vị trí việc làm, gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của từng đối tượng giáo viên để việc bồi dưỡng, tập huấn thật sự thực chất, hiệu quả...
Nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, các trường học cũng cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với trình độ, nhu cầu và tình hình thực tế của nhà trường. Việc bồi dưỡng không chỉ thực hiện trong một vài ngày mà cần được thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là tổ chức các phong trào học tiếng Anh, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ; chú trọng giảng dạy theo giáo án điện tử, áp dụng hệ thống thiết bị trình chiếu hỗ trợ giảng dạy… để qua đó, mỗi giáo viên tự ý thức được tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.
Đối với giáo viên, việc sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học sẽ giúp dễ tiếp cận, trau dồi thêm nhiều kiến thức để đưa vào bài giảng cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy. Do đó, bản thân mỗi giáo viên cần chủ động tự học tập, trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để không bị tụt hậu, đáp ứng tốt được yêu cầu đang đặt ra.
Tin tưởng rằng, gỡ bỏ "gánh nặng" đồng thời cũng sẽ tăng thêm động lực để đội ngũ giáo viên chủ động, tích cực học tập nâng cao ngoại ngữ và tin học, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo nền tảng phát triển bền vững cho sự nghiệp giáo dục.