Đừng lạm dụng lòng vị tha của cộng đồng!

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:37, 11/12/2020

(HNMCT) - “Lái mới, xin thông cảm” là một “thông điệp” khá dễ bắt gặp được gắn trên không ít xe ô tô tham gia giao thông trên đường. Không ít người cho rằng, đây là cách ứng xử văn minh nhằm hạn chế va chạm, tai nạn đáng tiếc. Thoạt nghe thì kể cũng có lý, nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn một chút thì có gì không ổn.

Để bảo đảm an toàn giao thông, người điều khiển phương tiện cơ giới có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên phải học, sát hạch đạt cả về lý thuyết và thực hành. Mỗi quốc gia có cách sát hạch riêng, nhưng đều chặt chẽ, khắt khe nhằm bảo đảm cho người điều khiển phương tiện có đủ kỹ năng, sự tự tin cần thiết để xử lý các tình huống trên đường vì an toàn cho bản thân và cộng đồng. Khi đã tham gia giao thông, mọi người có quyền như nhau, mọi hành vi đều phải đặt sự an toàn lên hàng đầu. Học chưa tốt, thi không đạt, thiếu tự tin thì không nên, không thể điều khiển phương tiện.

Nói vậy để thấy việc “bắt” người khác thông cảm với mình khi bản thân ý thức được mối nguy hiểm mà mình có thể mang lại cho xã hội là... không ổn. Nếu thiếu tự tin, cảm thấy có thể đem lại nguy hiểm cho cộng đồng, thì tốt nhất là học lại, thực hành kỹ càng cho vững tay lái rồi hãy... ra đường, thay vì cứ treo “thông điệp” kiểu “đã nói rồi đấy” và mong nhận được sự vị tha của cộng đồng!

Một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội không kém cũng diễn ra gần đây là việc trốn cách ly, quản lý khu cách ly không tốt làm lây lan dịch Covid-19. Một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly khiến dịch lây lan trong cộng đồng ở thành phố Hồ Chí Minh. Những lời “xin lỗi” được đưa ra, nhưng hậu quả, tác hại đã rất lớn. Không ít hoạt động trong khu vực bị đình trệ, cả xã hội lo lắng. Những tập thể, cá nhân có liên quan chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc do hành vi làm lây lan dịch bệnh. Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định khởi tốt vụ án.

“Xin lỗi” là cần thiết, nó thể hiện sự hối lỗi, cầu thị, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu mỗi cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định để không gây nguy hiểm cho cộng đồng. Và quan trọng hơn là sau lời xin lỗi là những hành động cần thiết để siết chặt công tác quản lý, không để tái diễn sự việc tương tự...

Đáng tiếc là thông tin về người trốn khỏi khu cách ly vẫn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng mà gần nhất là 2 trường hợp ở An Giang. Cộng đồng luôn rất giàu lòng vị tha nhưng rõ ràng không thể thông cảm, tha thứ cho hành vi bất chấp gây nguy hiểm nói trên. Theo quy định, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Biết nói “thông cảm”, “xin lỗi” là cần thiết, nhưng chớ nên lạm dụng khi ý thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho xã hội mà vẫn cố tình thực hiện. Đó không phải cách ứng xử văn minh mà chỉ là vì cái lợi cá nhân mà thôi! Đừng lạm dụng lòng vị tha của cộng đồng!

Mai Lâm