Khai mạc Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020
Văn hóa - Ngày đăng : 20:45, 11/12/2020
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 cùng với sự kiện công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO. Lễ hội bước đầu được nhân dân và du khách đón nhận, trở thành sản phẩm quảng bá văn hóa, du lịch hiệu quả của Hà Nội.
Năm nay, các quận, huyện, thị xã và nghệ nhân các làng nghề, các nhóm sáng tạo văn hóa đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với thành phố tổ chức không gian văn hóa giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống và sắp đặt, giới thiệu, trình diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại.
Lễ hội có sự tham gia của các làng nghề, gồm: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, mây tre đan, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất); xương sừng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín); hương đen thôn Xá Cầu, áo dài Trạch Xá, nhạc cụ dân tộc (huyện Ứng Hòa)...
Tại lễ hội, các nghệ nhân không chỉ trình diễn, thực hành quy trình làm các sản phẩm làng nghề độc đáo, mà còn giới thiệu tới người dân và du khách những nét đổi mới trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như phát huy giá trị làng nghề trong đời sống đương đại.
Để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch, các gian hàng được Ban tổ chức hỗ trợ cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn phục vụ người dân và du khách tới tham quan.
Trong tối khai mạc, công chúng đã được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Lễ hội kéo dài đến ngày 13-12 với nhiều hoạt động giới thiệu và trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, như: Ca trù, hát ví, hát dô (huyện Quốc Oai), hát chèo Tàu (huyện Đan Phượng), hát trống quân (huyện Phúc Thọ), hát xẩm, múa rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), múa cồng chiêng của người Mường (huyện Thạch Thất)...