Sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 12/12/2020
Tuy nhiên, một yêu cầu được đặt ra là kế hoạch đầu tư công trung hạn cần có sự hài hòa giữa mục tiêu 5 năm và từng năm, do đó kế hoạch đầu tư từng năm sẽ linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, quy hoạch chung và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sự linh hoạt còn ở chỗ dòng vốn có thể được điều chuyển từ dự án ít quan trọng, dự án vướng mắc về tiến độ sang dự án quan trọng hơn, dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm hơn kế hoạch.
Điểm đáng chú ý nữa là trong bối cảnh mới, cơ cấu lại đầu tư công sẽ gắn kết chặt chẽ với cơ cấu lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư và kinh doanh trực tiếp ở những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không đảm nhiệm hoặc không có khả năng đảm nhiệm. Vốn đầu tư công sẽ tập trung vào những dự án hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư khác; những dự án giải quyết vấn đề dân sinh; những dự án giúp khắc phục sự chênh lệch về phát triển giữa các khu vực, địa phương…
Trên cơ sở tính toán, cân đối theo các kịch bản về thu - chi ngân sách giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đã dự kiến tổng mức kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho giai đoạn này khoảng 206.750 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng đã đưa ra những định hướng đầu tư chính. Nhiệm vụ tiếp theo sẽ là xây dựng kế hoạch đầu tư hằng năm; trong đó yêu cầu quan trọng là xác định dự án trọng tâm, trọng điểm cùng nguồn lực. Nói cách khác, vốn đầu tư công như “miếng bánh”, nếu dàn trải mỗi nơi một chút, nguồn vốn khó trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển và trở nên lãng phí. Ngược lại, nếu lựa chọn đúng dự án ưu tiên, đầu tư có trọng điểm, mỗi dự án sẽ tạo ra sức bật mới mạnh mẽ cho phát triển.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, gồm nâng chất lượng thể chế quản lý, nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về đầu tư công, kịp thời đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án. Công tác chuẩn bị dự án đòi hỏi phải kỹ lưỡng, đúng quy định, nhưng cũng cần nhanh chóng, kịp thời thông qua đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương cũng cần chú trọng, bởi việc phối hợp tốt là “chìa khóa” giúp các dự án đầu tư được triển khai đúng kế hoạch, tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Kinh nghiệm quan trọng trong triển khai các dự án đầu tư công năm 2020 là khâu theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư được thực hiện quyết liệt, sâu sát; cách làm linh hoạt, mang tính đột phá, khi cần thiết sẽ điều chuyển vốn giữa các dự án để tránh đọng vốn, đọng việc ở nơi trì trệ... Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời. Nhiều dự án quan trọng được hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng kế hoạch.
Với nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn hơn, rõ ràng một kế hoạch đúng và trúng, cùng với cơ chế quản lý hiệu quả sẽ giúp những đồng vốn được sử dụng một cách tốt nhất.