Kết hợp các loại hình nghệ thuật biểu diễn: ''Làn gió'' cách tân sân khấu

Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 13/12/2020

(HNM) - Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam vốn đa dạng, mỗi loại hình truyền thống hay hiện đại đều có sự đào sâu, phát triển riêng. Gần đây, với ý tưởng sáng tạo bất tận, nhiều đơn vị và nghệ sĩ đã kết hợp các loại hình tưởng như rất khác biệt với nhau, tạo nên những “làn gió” cách tân sân khấu. Tuy hay - dở còn tùy thuộc vào tài năng của nghệ sĩ và cảm nhận của khán giả, song đây thực sự là sự chuyển động đáng ghi nhận.

Một cảnh trong vở diễn “Cây gậy thần” kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc.

Những cuộc “bắt tay“ mới lạ

Tối 12-12, vở diễn “Cây gậy thần” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng chính thức ra mắt công chúng Thủ đô. Đây là tác phẩm đầu tiên trong dự án nghệ thuật “Huyền sử Việt”, gồm 4 vở diễn thuộc thể loại ca - kịch - xiếc, ca ngợi công đức của “Tứ bất tử” - bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người dân Việt Nam: Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh và Thánh Gióng.  

Vở diễn “Cây gậy thần” được xây dựng dựa trên huyền tích về Chử Đồng Tử và Tiên Dung - một mối thiên duyên thể hiện khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Câu chuyện về Chử Đồng Tử, đặc biệt là tình tiết gặp nhau ấn tượng giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung, đã quá quen thuộc, nhưng khi được thể hiện trên sân khấu lần này, khán giả thấy thật mới lạ, hấp dẫn. Lần đầu tiên, kịch hát dân tộc biểu diễn trên sân khấu tròn và 3 sân khấu nhỏ trên cao, tạo nên nhiều không gian thưởng thức nghệ thuật cho khán giả. Hai ê kíp cải lương và xiếc thay đổi thể hiện nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nghệ sĩ cải lương vừa ngọt ngào hát, vừa đu bay, cưỡi ngựa trên sân khấu rất ấn tượng. Lồng ghép trong đó là các màn biểu diễn xiếc khiến khán giả trầm trồ, thích thú.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải, diễn viên cải lương trong vai Chử Đồng Tử chia sẻ: “Để thể hiện được vai diễn, các nghệ sĩ đã phải tập luyện với cường độ gấp 3 lần so với vở diễn thông thường. Tuy nhiên, đây là một trải nghiệm đáng giá để nghệ sĩ tự khám phá khả năng của bản thân, nên ai cũng hào hứng và thăng hoa”.

Trong khi đó, anh Lê Trọng Nam, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ: “Tôi rất bất ngờ khi vừa được xem xiếc, vừa được thưởng thức cải lương với nội dung liền mạch, hấp dẫn. Trong suốt vở diễn, các con tôi không chỉ hứng thú với các màn xiếc, mà còn hỏi rất nhiều về nghệ thuật cải lương và tích truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung”.  

Sân khấu âm nhạc gần đây cũng chứng kiến những cuộc “bắt tay” khá thú vị. Nghệ sĩ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) kết hợp nghệ thuật hát xẩm dí dỏm, hóm hỉnh, đậm chất dân gian với nhạc rap và nhạc điện tử sôi động, hiện đại trong tác phẩm “Xẩm Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Quang Long). Tiết mục tham gia cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2020”, đoạt giải Nhì và giải “Hát ca khúc về Hà Nội hay nhất”. Khán giả cũng đang háo hức chờ đợi sự kết hợp giữa tuồng, chèo, cải lương với nhạc jazz và dàn nhạc giao hưởng trong chương trình “Dân gian trên jazz, dân gian trên dây” do nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc và các đồng nghiệp thực hiện vào ngày 19-12, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Tác phẩm “Xẩm Hà Nội” có sự kết hợp giữa nghệ thuật hát xẩm, nhạc rap và nhạc điện tử.

Tạo đà cho những cuộc dấn thân

Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đồng đạo diễn vở “Cây gậy thần” cho biết, sân khấu nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong gần một năm qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Điều này buộc các đơn vị nghệ thuật phải chuyển mình để kéo khán giả đến rạp, trong đó có việc “góp gạo thổi cơm chung” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. “Chúng tôi xác định, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật là xu thế chung của thế giới và hướng đi dài hơi của các đơn vị nghệ thuật”, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.

Đồng đạo diễn vở “Cây gậy thần”, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận định, đích đến cuối cùng của sự sáng tạo là cho khán giả được trải nghiệm nghệ thuật giải trí chất lượng, hấp dẫn. Sự kết hợp với nghệ thuật cải lương còn nâng tầm xiếc, xóa đi định kiến, xiếc chỉ là những trò diễn đơn lẻ cho thiếu nhi, còn nghệ thuật truyền thống có thêm đối tượng khán giả mới, nhất là lớp trẻ. Hơn nữa, những cuộc “bắt tay” này sẽ nâng cao trình độ nghệ sĩ, trau dồi cách thể hiện mới, tạo nên thế hệ nghệ sĩ đa năng.

Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xiếc, Nghệ sĩ nhân dân Lưu Phúc cho rằng, sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật khác biệt, nhất là giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong một vở diễn là thách thức lớn với người làm nghề. Do đó, người nghệ sĩ phải thật tài năng và khéo léo để phát huy nét tinh túy của mỗi loại hình, đồng thời không khiến tác phẩm rời rạc. Còn theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, các loại hình nghệ thuật tuy khác nhau, nhưng vẫn có những mối liên quan, nếu tìm được sợi dây kết nối sẽ tạo nên những tác phẩm giá trị cho sân khấu.

Nêu ý kiến về những hình thức nghệ thuật chưa từng có kể trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ khuyến khích các đơn vị nghệ thuật phối hợp đầu tư để tạo nên những tác phẩm quy mô, tầm cỡ hơn, từ đó có được đối tượng khán giả mới. Sự thành công và đón nhận bước đầu của công chúng với những thử nghiệm mới sẽ gợi mở, tạo đà để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ mạnh dạn dấn thân, tạo những bước đột phá, cách tân cho sân khấu nước nhà.

An Nhi