Bảo hiểm các tác phẩm mỹ thuật: Khoảng trống nhận thức
Văn hóa - Ngày đăng : 06:28, 13/12/2020
Không đủ khung tiêu chí
Suốt những ngày qua, câu chuyện về sự cố hỏng, xước tranh tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam đã làm nóng các diễn đàn mỹ thuật.
Theo thông tin từ đơn vị tổ chức là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, có 5 tác phẩm bị hư hại, xước. Còn theo quan sát của họa sĩ Lê Thanh Bình, có khoảng chục tác phẩm bị tác động ở mức độ từ nhẹ đến khá nặng như: Bị gãy khung, bị cào xước ở vị trí trung tâm của bức tranh, ngay trên mặt nhân vật, bị dính sơn tường, có tác phẩm điêu khắc bị sứt... Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy có tranh bị hư hỏng đã rút tranh khỏi triển lãm ngay trước hôm khai mạc khiến sự việc thêm ồn ào.
Trả lời về việc này, ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho rằng, sự cố xảy ra là do quy trình trưng bày tranh chưa tốt, phải qua nhiều khâu vận chuyển. Hơn nữa, số lượng tranh quá nhiều, riêng tranh chọn trưng bày là 500 bức trong khi nhân lực của Cục lại hạn chế... Cục đã nhận lỗi và hẹn một cuộc gặp gỡ để bàn bạc, thỏa thuận đền bù cho tác giả sau khi triển lãm kết thúc.
Trước thông tin này, họa sĩ Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, đây là một sự cố đáng tiếc song cũng phải tính tới phương án đền bù thế nào cho thỏa đáng. Có 2 vấn đề cần đề cập tới, một là giá trị về vật chất, hai là về giá trị tinh thần. Với người họa sĩ, tác phẩm là đứa con tinh thần, việc tác phẩm bị hư hỏng khiến họ cảm thấy xót xa và e dè không biết lần sau có nên tham gia nữa không... Còn giá trị về vật chất, việc đầu tư cho một tác phẩm chỉ tính họa phẩm đã rất tốn kém, chưa kể đầu tư về thời gian, công sức. Có người dành cả một năm để hoàn thành tác phẩm... Vậy, lấy căn cứ nào để đền cho họa sĩ, căn cứ vào họa phẩm, chất liệu hay căn cứ vào thương hiệu của họa sĩ, hay căn cứ vào kích thước tranh? Có quá nhiều “thang”, chúng ta băn khoăn không biết dựa vào đâu.
Rõ ràng, việc không có đủ khung tiêu chí để đền bù cho tác phẩm khiến cả họa sĩ lẫn đơn vị tổ chức cảm thấy hoang mang và việc giải quyết trước mắt chỉ có thể dựa trên sự cầu thị, hợp tác của cả hai bên.
Chủ động bảo vệ “đứa con tinh thần”
Ngoài việc không có đủ khung tiêu chí để đền bù cho tác phẩm, việc họa sĩ không làm biên nhận tình trạng tác phẩm trước khi gửi đến triển lãm để làm căn cứ, các tác phẩm tham gia triển lãm không có bảo hiểm... cũng cho thấy khoảng trống về ý thức bảo vệ tác phẩm mỹ thuật hiện nay. Họa sĩ Thế Anh rất đúng khi cho rằng: Chúng ta là họa sĩ, phải biết cách bảo vệ đứa con tinh thần của mình trước mọi tác động từ bên ngoài, đó là việc chúng ta cần chủ động. Trong đó, việc cần làm là mua bảo hiểm cho tác phẩm của mình. Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, những sự cố hỏng hóc, thậm chí mất tranh đã từng xảy ra ở các triển lãm. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta còn chưa chuyên nghiệp về nhiều mặt, nhất là ở khâu vận chuyển. Nhưng cũng có vấn đề mang tính tự thân: Không có ai tham gia bảo hiểm. Chỉ có tham gia bảo hiểm thì mới có thể chăm sóc bức tranh trong suốt quá trình trước, trong và sau triển lãm.
Trên thế giới, việc mua bảo hiểm cho tác phẩm mỹ thuật rất phổ biến, không chỉ với bản thân người họa sĩ mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với đơn vị tổ chức triển lãm. Chính mức giá bảo hiểm cũng là căn cứ phản ánh giá trị của bức tranh. Chẳng hạn như Sách kỷ lục Guinness đã xếp bức Mona Lisa do Bảo tàng Louvre sở hữu là họa phẩm được bảo hiểm với mức giá cao nhất trong lịch sử. Từ năm 1962, bức tranh này đã được ước định giá để bảo hiểm ở mức 100 triệu USD.
Một số tác phẩm hội họa tiêu biểu của các họa sĩ Việt Nam tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi được mời ra nước ngoài trưng bày cũng được định giá bảo hiểm với mức cao. Chẳng hạn bức Bình minh trên nông trang của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng được định giá bảo hiểm 600.000 USD vào năm 2015. Bức tranh Gióng của tác giả Nguyễn Tư Nghiêm được định giá bảo hiểm 1 triệu USD vào năm 2013 khi được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học (MAA) của Anh...
Rõ ràng, để tránh những sự việc đáng tiếc như ở Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam vừa qua, bên cạnh việc cần hoàn thiện quy trình tổ chức triển lãm thì vấn đề bảo hiểm tác phẩm cũng cần được đặt ra cả với đơn vị tổ chức và cá nhân họa sĩ.