Một cốt cách thơ riêng
Văn hóa - Ngày đăng : 18:32, 13/12/2020
Trong sự riêng biệt của mình, thơ Trần Bạch Diệp vẫn hướng đến những giá trị chung, nhân bản của con người: “người đời khóc nhau tôi khóc cho đời tôi khóc cho người/ tôi khóc cho tôi cạn khô nước mắt/ thịt da này dù nhạt/ xin đừng thù ghét nhau”. Đau đến tận cùng và khát khao cũng đến tận cùng, thơ như một bình diện khác để chị soi lại tâm hồn mình hay thơ chính là toàn bộ đời sống của chị? Chỉ biết một điều, với Trần Bạch Diệp, thơ như lời giãi bày sâu kín, những thổ lộ riêng tư: “em đốt ngọn lửa nhỏ/ run rẩy góc phòng tối/ một tồn tại nơi đây/ như chậu hoa trên ban công/ biết chắc/ mùa đang xa dần”. Nhưng thơ cũng là nơi để chị ẩn tàng, phong kín tâm hồn nhạy cảm hay những ý nghĩ vời xa: “bây giờ tôi ước mình thu lại/ như một dấu chấm trên màn hình rồi tan biến/ tiếng khóc như một sợi tơ nhỏ/ chẳng ai nghe thấy đâu”.
Bằng giọng thơ giản dị, Trần Bạch Diệp đứng ngoài xu hướng làm dáng làm màu cho chữ nghĩa. Chị soi vào bề sâu của chữ để gọi ra những thăm thẳm của thơ ca. Tiếng nói của thơ và tiếng nói của cái tôi riêng khác trong con người chị là một trong những khoảnh khắc thăng hoa của tưởng tượng: “mây thạch lựu phía chân trời/ như đốm hy vọng cho kẻ lạc lối/ những kẻ cố vượt qua lằn ranh bóng tối/ hoang tưởng gối trăng trong cánh rừng thưa”.
Đi giữa lằn ranh của hiện thực và tưởng tượng, người làm thơ không tránh khỏi chênh chao. Nếu quá tỉnh táo để không đi xa hiện thực thì thơ dễ bị rơi vào sự nửa vời, nhưng nếu sa đà vào cõi tưởng tượng thì thơ dễ bị dẫn tới sự xa rời, vị kỷ. Điều khó khăn là nhà thơ phải dung hòa hai thái cực hiện thực và tưởng tượng để tạo nên một thế giới sáng tạo mà ít nhiều người đọc có thể bắt gặp mình ở nơi đó. Trần Bạch Diệp đã sử dụng hiện thực như một sợi dây chắc chắn cho trí tưởng tượng bám vào đó mà bung nở, mà đi xa vẫn không lo bị lạc hướng.
Điểm mạnh trong thơ Trần Bạch Diệp là một thế giới đầy mơ hồ và hấp dụ do chị tạo ra bởi những hình ảnh, những ngôn ngữ mang đầy thi ảnh: “thời gian như chiếc lưới”, “mùa thu chảy màu mật đắng”, “gió mê muội như em”, “vòng eo khuyết”, “căn lều lợp mưa”, “cô độc xoay lưng như con sói trong chiều”, “tiếng hót nỗi buồn”... Có quá nhiều hình ảnh ấn tượng găm vào lòng người đọc trong thi tập này. Vậy đâu là nguồn cơn để Trần Bạch Diệp sáng tạo nên thế giới thi ca của riêng mình? Chỉ có thể là sự tinh nhạy của một tâm hồn đầy khao khát, đầy nội lực và phức cảm của người phụ nữ giàu đam mê.
Chị không có thiên hướng cụ thể hóa những gì ngoài kia mà chị thấy, mà thi ca là thế giới bên trong con người chị, những gì diễn ra bên trong nội tâm của chị. Thơ ca đích thực phải là cái nhìn vào bên trong như thế: “Em muốn kể anh nghe câu chuyện giọt sương/ vũ điệu nước mắt/ ngàn triệu năm ngóng đợi mặt trời/ để chết đi trong giấc mơ hạnh phúc”.
Chọn cho mình một lối đi riêng, Trần Bạch Diệp không tránh khỏi sự cô đơn trên hành trình thi ca mà sự dẫn đường của nó là không cùng. Chẳng phải điểm đến của thơ cũng chính là sự không cùng: “xa xôi anh thả mây lên trời/ ánh mắt theo em về nơi không giấu được”. Nhẹ nhàng và sâu lắng, hiện hữu và mơ hồ, Trần Bạch Diệp đã khẳng định một dấu ấn riêng qua thi tập Mùa Bạch Diệp (NXB Hội Nhà văn - 2020).
Nhà thơ Trần Bạch Diệp sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, hiện sống và làm việc tại thành phố Huế. Chị được biết đến qua các tập thơ: Vũ điệu lam (2011), Tùng gai (2014). Năm 2011, chị được trao Tặng thưởng thơ hay của Tạp chí Sông Hương. Mùa Bạch Diệp là tập thơ in riêng thứ ba của chị.