Liên kết cùng phát triển

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 15/12/2020

(HNM) - Thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam đã, đang bước đầu tỏ rõ vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ dần được đẩy mạnh, nhận thức của xã hội cũng được nâng cao.

Tuy vậy, việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Điển hình là mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu, chưa định hình rõ nét. Yếu kém này có căn nguyên là mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ vẫn đang trong giai đoạn hình thành, thiếu đồng bộ, năng lực chưa cao, chưa phát huy hết chức năng kết nối cung - cầu. Đáng nói, bản thân không ít tổ chức trung gian còn chưa đủ “tầm” để đóng góp hiệu quả vào hoạt động sáng tạo, tư vấn chuyển giao công nghệ… Chính sách phát triển tổ chức trung gian chưa tạo ra động lực thúc đẩy các bên liên quan tham gia phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Trong khi đó, sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ phụ thuộc khá lớn vào các tổ chức trung gian, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, để kết quả nghiên cứu không “nằm trên giấy”, “cất trong ngăn tủ”, việc phát triển dịch vụ trung gian cho thị trường khoa học và công nghệ vẫn là giải pháp then chốt.

Nhiệm vụ trước tiên là cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về thị trường khoa học và công nghệ; trong đó, phải khẳng định rõ vai trò nòng cốt của tổ chức trung gian để thích ứng hơn với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể hơn, phải đặc biệt quan tâm đến những cơ chế, chính sách mang tính căn bản như hỗ trợ về ngân sách, hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nhằm hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian đủ năng lực kết nối các chủ thể trên thị trường khoa học và công nghệ. Trong đó, những hoạt động mang tính chuyên sâu, thể hiện rõ vai trò tổ chức trung gian cần chú trọng là phát triển sàn, trung tâm giao dịch công nghệ; xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo...

Cùng với đó, cần thúc đẩy việc số hóa, liên kết, liên thông các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam với các tổ chức trung gian hoạt động trong lĩnh vực này ở khu vực và thế giới. Việc này giúp các tổ chức trung gian của Việt Nam tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những tiến bộ của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đội ngũ nhà khoa học tiếp thu những tinh hoa để phục vụ công việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Trong “chuỗi liên kết” nghiên cứu - phát triển - ứng dụng thực tế, ngoài các nhà khoa học và tổ chức trung gian, các doanh nghiệp là “mắt xích” quan trọng để hiện thực hóa thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt vai trò quan trọng này, các doanh nghiệp phải có sự liên kết chặt chẽ với tổ chức trung gian, nhà khoa học, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ mới. Muốn vậy, không có cách nào khác là tự thân doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ nhân lực phù hợp, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tương xứng…

Liên kết chặt chẽ chính là giải pháp then chốt để đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức trung gian, doanh nghiệp cùng phát triển, tạo nên một thị trường khoa học và công nghệ có lợi cho nhiều bên và tất cả cùng thắng...

Chí Kiên