Bàn giải pháp hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em

Đời sống - Ngày đăng : 11:19, 15/12/2020

(HNMO) - Ngày 15-12 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo "Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em".

 Quang cảnh hội thảo. 

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, trong gần 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước đã giảm. Nếu như năm 2010, cả nước có 3.300 trẻ em tử vong do đuối nước, thì con số này đã giảm còn 2.000 vào năm 2019. Tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam, trong số này trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất trong các độ tuổi.

Đáng chú ý, có tới hơn 77% số ca tai nạn đuối nước của trẻ em là ở cộng đồng (như ao, hồ, sông, suối, biển...). Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của người lớn và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, từ đó có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích do đuối nước. 

Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo. 

Các ý kiến tại hội thảo đã cùng thảo luận, chỉ ra các nguyên nhân gây ra tai nạn đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam hiện nay như: Trẻ em không biết bơi, thiếu các kỹ năng tự bảo vệ, thiếu sự giám sát, quản lý của người lớn...

Nhiều ý kiến đã tập trung trao đổi, chia sẻ các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em thời gian tới, trong đó việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và học sinh, sinh viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng khẳng định tiếp tục cần sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành, nhà trường, gia đình và các lực lượng của xã hội trong việc chung tay triển khai các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ; thường xuyên hướng dẫn, giám sát, chăm sóc trẻ; tăng cường việc tổ chức dạy bơi cho học sinh, sinh viên; tổ chức giải bơi cho thanh, thiếu niên...

Hội thảo cũng đã thống nhất định hướng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, gia đình và xã hội trong việc tổ chức dạy bơi cho học sinh; chỉ đạo 100% số tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường cho học sinh. 

Thống Nhất