Quan hệ thương mại song phương Australia - Trung Quốc: Thêm ''sóng gió'' mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 18/12/2020

(HNM) - Quan hệ thương mại song phương giữa Australia và Trung Quốc xuất hiện thêm “sóng gió” sau khi Australia cho biết sẽ đưa lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống độc quyền đối với sản phẩm lúa mạch của nước này. Các chuyên gia không loại trừ khả năng đáp trả qua lại trong thời gian tới giữa hai bên. Vì vậy, cả hai bên cần sớm tìm tiếng nói chung, để mọi việc không đi quá xa.

Australia sẽ đưa lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống độc quyền đối với sản phẩm lúa mạch của nước này.

Chính phủ Australia hôm 16-12 xác nhận sẽ đưa lên WTO các vấn đề liên quan đến quyết định của Trung Quốc áp đặt mức thuế cao đối với lúa mạch của nước này vào đầu năm nay, đe dọa gây thiệt hại về thương mại tới hàng tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham, khoản thuế quan bổ sung mà Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia là thiếu cơ sở và không được củng cố bằng các sự kiện và bằng chứng. Đây là lần đầu tiên Australia đưa vấn đề về một mặt hàng nông sản với Trung Quốc ra giải quyết bằng cơ chế trọng tài độc lập. 

Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, với tổng giá trị xuất khẩu là 1,3 tỷ USD mỗi năm, chiếm tới một nửa sản lượng lúa mạch của Australia. Tuy nhiên, từ năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc điều tra về nghi vấn các nhà sản xuất lúa mạch của Australia nhận được trợ cấp của chính phủ để bán hàng sang thị trường Trung Quốc với giá thấp hơn thị trường trong nước. Đến tháng 5-2020, Trung Quốc thông báo áp thuế 80,5% cho lúa mạch từ Australia với lý do bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành Nông nghiệp của Trung Quốc. Mức thuế này bao gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%, có thời hạn tới 5 năm.

Ngoài hoạt động xuất nhập khẩu lúa mạch, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Australia và Trung Quốc đã chứng kiến căng thẳng đáng kể trong những tháng gần đây, khi Trung Quốc đưa ra nhiều rào cản thương mại nhằm giảm việc nhập khẩu đối với ít nhất 13 ngành và mặt hàng từ Australia như: Thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm... Theo Bộ Thương mại Australia, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này kể từ năm 2016, là điểm đến của 32,6% hàng hóa xuất khẩu từ Australia. Do đó, động thái của thị trường hơn 1 tỷ dân tác động không nhỏ tới thương mại của Australia. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc áp thuế lên hàng hóa Australia là phù hợp với quy định quốc tế và pháp luật trong nước, căn cứ theo yêu cầu của các ngành nghề có liên quan, đồng thời thể hiện trách nhiệm của các bộ, ngành đối với người tiêu dùng nước này. Trung Quốc cũng lập luận rằng, từ năm 2018, Australia đã từ chối hàng chục dự án đầu tư của Trung Quốc, thậm chí sửa đổi Luật Đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài với lý do an ninh quốc gia.  

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng từ các rào cản thương mại của Trung Quốc, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố Chính phủ nước này đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc đàm phán các thỏa thuận thương mại với châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia S.Birmingham cho biết nước này đưa vụ việc lên WTO để giải quyết những điểm còn khác biệt, song luôn để ngỏ khả năng đối thoại với Trung Quốc. Với quy trình giải quyết tranh chấp của mình, WTO có thể sẽ mất hàng năm để điều tra cáo buộc của Australia. Trong lúc chờ đợi quá trình này, điều mà hai bên cần làm là tìm tiếng nói chung trước khi những "sóng gió" bất đồng trở nên sâu sắc và khó hóa giải hơn.

Minh Hiếu