Trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu ''Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa''

Văn hóa - Ngày đăng : 13:18, 18/12/2020

(HNMO) - Sáng 18-12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Báo Đại Đoàn Kết, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện trưng bày và ra mắt phim "Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa".

Hình ảnh tư liệu lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Giải phóng.

Bộ phim hoàn thành đúng dịp chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025); kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; kỷ niệm 56 năm Báo Giải phóng ra số đầu tiên (20/12/1964 - 20/12/2020).

Phim có thời lượng 26 phút với nhiều tư liệu và sự kiện được công bố lần đầu, đó là những mốc son lịch sử ra đời và hoạt động của tờ Giải phóng trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng miền Nam và cả nước.

Báo Giải phóng, trực thuộc cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời để cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ và hiểu đúng cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Giải phóng là nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), nguyên Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc, một cán bộ miền Nam tập kết được điều trở lại chiến trường bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Hai nhà báo của Báo Cứu Quốc là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân) hành quân theo đường Trường Sơn vào tới vùng căn cứ Tây Ninh để tham gia làm Báo Giải phóng ngay từ thời kỳ đầu. Những năm sau, lần lượt đến với Báo Giải phóng là những nhà báo từ mọi miền đất nước như: Thép Mới, Bùi Kinh Lăng, Nguyễn Huy Khánh...

Một số hình ảnh về Báo Giải phóng được trưng bày tại Bảo tàng báo chí Việt Nam.

Dựa vào những tư liệu, hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thu thập được, cùng với những tư liệu, ghi chép, ký ức của những người trong cuộc, bộ phim đã kể cho người xem nhiều câu chuyện thú vị về sự khốc liệt, hy sinh mất mát ở chiến trường cũng như cuộc sống gian khổ ở nơi mà mỗi nhà báo đều là chiến sĩ.

12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm Báo Giải phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến và 412 số nhật báo Giải phóng tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) cho đến ngày tờ báo hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Không những vậy, ngay sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975, những người làm Báo Giải phóng tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ra 15 số Báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên. Chỉ riêng tờ báo số 1 ra ngày 5-5-1975 đã phát hành nửa triệu bản trên toàn quốc với giá 50 đồng/tờ (tiền miền Nam).

Có thể nói, đây là một bộ phim tư liệu đầu tiên về Báo Giải phóng. Bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc, "Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa" bước đầu đã kể được với công chúng hôm nay câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà.

Các thế hệ người làm Báo Sài Gòn Giải Phóng và Đại Đoàn Kết trong buổi trưng bày và giới thiệu bộ phim "Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa".

Phim trước hết nhằm phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trưng bày chuyên đề tái hiện lại phần nào hình ảnh, những tác phẩm, những gương mặt báo chí gắn liền với tờ Báo Giải phóng từ khi ra đời cho đến khi sáp nhập với Báo Cứu Quốc trở thành báo Đại Đoàn Kết.

Hoàng Lân