“Vẫn còn người khóc cuộc đời Tố Như”
Văn hóa - Ngày đăng : 16:43, 18/12/2020
Trong lịch sử văn học Việt Nam, thể loại văn tế từng để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Văn tế tướng sĩ trận vong”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Văn tế Phan Chu Trinh”, “Văn tế thập loại chúng sinh”… Là những bài văn thơ thương tiếc người quá cố, văn tế có thế mạnh mà không thể loại văn chương nào theo kịp, đó là số câu không nhiều nhưng có khả năng làm sống lại một giai đoạn lịch sử, khắc họa “chân dung” một tập thể, một con người với khá đầy đủ sự kiện, chi tiết… qua đó truyền được lòng ngưỡng mộ, thương tiếc đến người nghe, người đọc.
Những tưởng thể loại văn tế đã hoàn toàn vắng bóng trên thi đàn, thế nhưng trong đời sống, văn tế vẫn âm thầm cất lên trong các dịp tế lễ của nhiều dòng họ, gia đình. Cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” hướng tới tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du (1820-2020) đã đem lại nhiều bất ngờ, khi có nhiều bài dự thi chất lượng được gửi đến. 28 bài trong đó, được đánh số từ bài 1 - bài 28, đã được tuyển chọn để làm nên “Tuyển tập Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2020).
Nhà thơ Vương Trọng nhận định: “Trong tuyển tập này, con người Nguyễn Du đậm nét được xác lập. Đó là người xuất thân từ một dòng họ giàu truyền thống khoa bảng, quan lại và thi ca, lại được pha trộn dòng máu của hai vùng đất giàu văn hóa Nghệ Tĩnh và Bắc Ninh. Con người đó những năm đầu đời sống trong giàu sang, quyền quý, nhưng hầu hết cuộc đời thiếu thốn, nghèo khổ trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, kể cả mục nát và suy tàn. Con người đó có thiên tài thi ca bẩm sinh, có trái tim nhân ái, đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh, lại nặng tình nặng nghĩa với non nước, quê hương”.
Đại thi hào Nguyễn Du từng là nguồn cảm hứng của hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật, và bây giờ ông lại trở thành “nhân vật chính” trong sự ngưỡng mộ và luyến thương vô hạn từ những bài văn tế của hậu thế. Đơn cử như tác giả Nguyễn Hùng Vĩ đã ngợi ca trong “Bài văn tế số 4”:
“Tiếng thơ động đất trời thăm thẳm - quỷ khốc thần kinh
Áng văn tràn thiên hạ mang mang - giăng mờ sao quạnh”.
Đó còn là sự ngưỡng mộ của tác giả Vương Long trong “Bài văn tế số 2”:
“Lộng lẫy khúc dân ca
Chứa chan tình Quan họ
Qua tim người thành chữ chữ gấm thêu
Thả ngọn bút ngân lời lời châu nhỏ
Lịch sử ngợi ca Người: Sự nghiệp tử do vinh
Thế giới tôn vinh Người: Danh nhân sinh bất hủ
Sống mãi cùng dân tộc, trang thơ Kiều cả nước hóa tri âm
Đến với bạn năm châu, văn hóa Việt nàng Kiều làm đại sứ”.
Hay là niềm tiếc nhớ ở “Bài văn tế số 3” của tác giả Phùng Hồ:
“Hai trăm năm Tiên sinh về cõi thọ, để muôn dân nhớ chốn trần gian
Hai thế kỷ đất nước trải trầm luân, nay hậu thế luyến thương người Thiên cổ”.
Trong “Độc Tiểu Thanh ký” khi xưa Nguyễn Du từng trăn trở: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Không biết hơn ba trăm năm sau/Thiên hạ ai người khóc Tố Như?). Và bây giờ “Tuyển tập Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” đã góp thêm những câu trả lời của hậu thế đối với ông:
“Dù văn chương, dù son phấn, khi thác rồi hậu thế còn ghi
Dù vô mệnh, dù hữu thần, lúc lìa đời người sau vẫn nhắc”.
(“Bài văn tế số 1” - Kha Tiệm Ly)
“Hơn hai trăm năm trải mấy độ phong trần
Xuyên hai thế kỷ biết bao phen sương tuyết
Người sinh một thời còn sống mãi mai sau
Tiếng để ngàn năm cho danh truyền kiếp kiếp”.
(“Bài văn tế số 6” - Nguyễn Minh Hoàng)
Theo đại diện của Nhà xuất bản Trẻ, đa phần bạn đọc Việt Nam không xa lạ với thân thế sự nghiệp, tài năng và đức độ của Nguyễn Du nên khi đọc tập sách này, ký ức về Đại thi hào thức dậy trong niềm cảm phục và luyến thương.
Với những độc giả vì lý do nào đó, trước đây chưa có dịp “tiếp cận” Nguyễn Du thì những bài văn tế này sẽ theo nhau thấm vào tâm hồn và xác lập con người Đại thi hào từ khi chào đời đến lúc giã từ cõi thế với lòng mến phục, thương cảm của từng tác giả.