Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách
Tài chính - Ngày đăng : 06:22, 18/12/2020
Nguồn thu gặp khó khăn
Nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến từ 3 nguồn chính; trong đó, có khoản thu ngân sách mà trung ương hưởng 100% như thuế xuất khẩu và nhập khẩu; khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% như phí và lệ phí; khoản thu được quy định theo Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể là tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, bình quân khoảng 150.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2019, lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt 412.474 tỷ đồng, vượt 3,34% chỉ tiêu đề ra. Đây là mức thu kỷ lục từ trước tới nay và cũng là lần đầu tiên thành phố thu trên mốc 400.000 tỷ đồng. Năm 2020, Chính phủ giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách của thành phố là 405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với dự toán năm 2019, chiếm tỷ trọng 26,5% tổng dự toán thu của cả nước. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, năm nay, thành phố ước thu 352.000 tỷ đồng, đạt 86,7% dự toán, chiếm 25% thu ngân sách quốc gia.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân sụt giảm thu ngân sách là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và hỗ trợ phục hồi kinh tế, thành phố đã triển khai hàng loạt chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí theo quy định.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc nguồn thu ngân sách thành phố sụt giảm tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố cần vực dậy nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì thời gian tới, các cấp, ngành chức năng, địa phương của thành phố cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn thu ổn định, bền vững hơn.
Nuôi dưỡng nguồn thu
HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 của thành phố. Theo đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.983.779 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 khoảng 377.326 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, thành phố dự toán thu ngân sách nhà nước đạt 364.893 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với dự toán năm 2020.
Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hồ Chí Minh xác định nguồn thu ngân sách nhà nước phải có tốc độ tăng thu và mức tăng thu phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn tương ứng. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, tỷ trọng thu nội địa duy trì khoảng 65-70%; trong đó, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh là chủ yếu, theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt, nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí chiếm tỷ lệ cao.
Để đạt mục tiêu đề ra, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan thuế sẽ tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế đẩy mạnh và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Song song, ngành Thuế cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế; đồng thời tăng cường rà soát, quản lý, đôn đốc, xử lý thu hồi các khoản nợ đọng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, để tăng thu ngân sách, thành phố sẽ thực hiện khai thác nguồn thu từ nhà, đất, công sản khác. Đặc biệt, thành phố khai thác 50% nguồn thu từ khoản thu tiền sử dụng đất mà ngân sách thành phố được hưởng theo quy định để phục vụ nhiệm vụ đầu tư công; nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng các thách thức vẫn luôn tiềm tàng, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nguồn thu ngân sách phải có tính bền vững, ổn định. Vì vậy, thành phố sẽ tăng cường các biện pháp để quản lý, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nguồn thu thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, tập trung vào các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
“Vốn ngân sách nhà nước phải được xem là vốn mồi, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội, qua đó giúp tăng thu trở lại ngân sách nhà nước”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay.