Giải quyết việc làm trong bối cảnh có dịch Covid-19: Chủ động vượt khó khăn
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 19/12/2020
Hỗ trợ kịp thời
Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hơn 1 triệu lao động trên địa bàn, khiến cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình gặp khó khăn.
Nhằm hỗ trợ người lao động vươn lên, tiếp cận với cơ hội việc làm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã và đang triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách được thực hiện là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ cho hơn 514.000 người với số tiền hơn 600 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm người bị mất việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo… Là đối tượng được thụ hưởng, chị Nguyễn Thị Thuận, thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), cho hay: “Tôi đã sử dụng số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội để trang trải cho cuộc sống trong giai đoạn không có việc làm. Khi dịch Covid-19 lắng xuống, tôi đã đi làm trở lại và nay cuộc sống dần ổn định”.
Giải pháp quan trọng khác được thực hiện là tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất hoặc được vay vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động. Với người bị mất việc đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, các cơ quan chức năng đã chi trả đầy đủ, kịp thời cho hơn 80.000 trường hợp theo quy định. Trong đó, những người có nhu cầu chuyển đổi nghề được ưu tiên tham gia các khóa đào tạo nghề.
Ngoài ra, công tác giải quyết việc làm cho người lao động thông qua chính sách cho vay vốn, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề cũng được thành phố triển khai. Khâu kết nối người lao động với thị trường việc làm được tiến hành thường xuyên, liên tục… Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, năm 2020, toàn thành phố ước giải quyết việc làm cho gần 200.000 lao động, vượt kế hoạch đề ra.
Tạo thêm nhiều việc làm mới
Qua diễn biến của thị trường lao động, việc làm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động bị thất nghiệp rất khó tìm được việc làm, còn nhà tuyển dụng lại khó tuyển được người đáp ứng yêu cầu công việc. Nguyên nhân là đa số người có nhu cầu tìm việc thuộc nhóm lao động phổ thông nên khó đáp ứng được tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Để rộng mở cơ hội việc làm trong những năm tới, bà Nguyễn Thị Nhạn, cán bộ phụ trách nhân sự Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bách Tường Phát (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, các cơ quan chức năng nên quan tâm, động viên, thu hút người lao động tham gia học nghề ở nhiều mức trình độ. Còn người lao động nên chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng nghề phù hợp với thời kỳ mới.
Từ góc độ quản lý công tác lao động, việc làm tại địa phương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu chuyên sâu, đa chiều về cung - cầu lao động, làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thực tế.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài những chính sách, giải pháp đã triển khai, năm 2021, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương điều tra cung - cầu về lao động đến cấp cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm khả thi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin đa chiều về thị trường việc làm sẽ được triển khai trên phạm vi rộng.
Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xây dựng website với địa chỉ: https://vieclamthudo.today, kết nối liên thông giữa các sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội với nhiều địa phương khác, giúp người lao động có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với cơ hội việc làm. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động tiếp tục được ưu tiên thực hiện. Với người tạm thời bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ luôn là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Cùng với sự chủ động của các ngành, địa phương, mới đây, tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn này, mỗi năm, Hà Nội phấn đấu có thêm 30.000 doanh nghiệp được thành lập, tạo thêm việc làm mới cho khoảng 300.000 lao động…
Dưới góc nhìn khách quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá: “Đề án này được thực thi sẽ là giải pháp mang tính chất tạo đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung, công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói riêng đạt kết quả toàn diện, bền vững hơn”.