''Con nuôi'' đồn biên phòng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 19/12/2020
Chiến sĩ biên phòng làm “bố nuôi”
Từ trung tâm thị trấn huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) sau khoảng 20 phút chạy xe, đoàn phóng viên các cơ quan báo chí của Hà Nội có mặt tại Tổ công tác địa bàn - Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) vào một ngày trung tuần tháng 12-2020. Đây cũng là "ngôi nhà thứ hai" của Y Dũng (sinh năm 2012), học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An - những người mà em vẫn gọi là “bố nuôi”.
Được Thiếu tá Nguyễn Xuân Đồng, Tổ trưởng Tổ công tác địa bàn (Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An) đón từ trường học về, cậu bé dân tộc M’Nông luôn tươi cười khi trò chuyện với mọi người. Thiếu tá Nguyễn Xuân Đồng cho biết, sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, Y Dũng là con thứ 2. Sống bằng nghề làm nương rẫy, nhưng ba mẹ em không có đất canh tác nên phải đi làm ăn xa, để lại mấy con nhỏ tự chăm nhau. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn, Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An đã nhận Y Dũng về nuôi để em có thêm điều kiện học tập.
Vừa nắm tay “bố nuôi” Nguyễn Xuân Đồng, Y Dũng vừa kể: “Hằng ngày, các chú đưa đi học, rồi chăm cho con ăn. Những lúc rảnh con thường giúp các chú việc nhà. Con cũng nhớ các anh chị, nhưng không đòi về. Khi nào nhớ quá thì các chú chở về thăm gia đình. Đồn biên phòng giờ cũng là nhà của con rồi!”.
Chỉ cho chúng tôi góc học tập được sắp xếp gọn gàng của cậu bé, Thiếu tá Nguyễn Xuân Đồng chia sẻ: “Khi mới về đây, Y Dũng ít nói, thậm chí đi đường còn chưa biết phân biệt bên trái, phải. Thời gian đầu con hay buồn vì nhớ nhà, nên chúng tôi thay nhau chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, động viên con như một thành viên trong gia đình. Chúng tôi coi Y Dũng như con ruột của mình”...
Không may mắn như Y Dũng còn cả ba mẹ, cậu bé Đặng Văn Minh (dân tộc Dao, sinh năm 2006), học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có hoàn cảnh đáng thương. Mẹ qua đời từ khi 2 tuổi, đến năm 6 tuổi bố em đi bước nữa, để lại hai anh em ở cùng ông nội đã già yếu. Nếu không được các chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Tiên (xã Thuận Hà) đưa về chăm nuôi thì giấc mơ cắp sách đến trường của em rất xa vời.
Là người hằng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng Minh, Thiếu tá Thái Bình Dương, Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Tổ trưởng Tổ công tác địa bàn Đồn biên phòng Đắk Tiên kể: “Trước khi về đây (tháng 9-2019), con khá nhút nhát và có học lực trung bình. Vì thế, anh em Tổ công tác địa bàn càng thương và chăm sóc con nhiều hơn. Qua một năm, Minh tự tin hơn trong giao tiếp, học tập đã đạt kết quả loại khá”.
Dù có hoàn cảnh khác nhau, nhưng Y Dũng và Đặng Văn Minh may mắn hơn nhiều bạn khác cùng cảnh ngộ là được đón nhận tình yêu thương, chăm sóc của các chiến sĩ biên phòng. Với sự quan tâm, dạy dỗ, chia sẻ của những người lính quân hàm xanh, cuộc sống mới của các em trở nên nền nếp. Buổi sáng, sau tiếng kẻng báo thức, các em ra sân xếp hàng tập thể dục, sau đó ăn sáng và đến trường. Cán bộ quản lý đơn vị vẫn chấm đủ tiêu chuẩn sinh hoạt hằng ngày cho các em như tất cả cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, chỉ khác là giờ huấn luyện của bộ đội thì các em lại cắp sách đến trường hoặc tự ôn bài...
Thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo
Y Dũng và Đặng Văn Minh là 2 trong số 4 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông lựa chọn để thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ tháng 8-2019. Bắt đầu từ năm học 2019-2020, 4 đồn biên phòng của tỉnh Đắk Nông đã đón các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng, học tập.
Thượng tá Phan Trọng Tuệ, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn biên phòng Đắk Tiên thông tin, tuy mới triển khai, nhưng bước đầu mô hình “Con nuôi” đồn biên phòng đã góp phần chắp cánh ước mơ đến trường cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng biên cương của Tổ quốc.
Chia sẻ về ý nghĩa của mô hình, Trung tá Doãn Văn Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An nói: “Dù cuộc sống nơi biên cương còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ biên phòng chúng tôi vẫn tiết kiệm chi tiêu hằng ngày để hỗ trợ các con mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Nguồn tài chính này tuy không lớn nhưng đã giúp các con hiện thực hóa ước mơ được cắp sách đến trường”.
Theo Đại tá Phan Quí Vỹ, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông, trước mắt Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao nhiệm vụ cho 4 đồn biên phòng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường trên địa bàn biên giới lựa chọn và đón 4 cháu về nuôi dưỡng. Các cháu sẽ được chăm sóc đến khi học xong trung học cơ sở. Khi vào trung học phổ thông, các cháu sẽ được tham gia chương trình "Nâng bước em đến trường" để tiếp tục được hỗ trợ học tập. Đến nay, với chương trình này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ được 62 em có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, đến khi đỗ đại học.
“Mô hình “Con nuôi” đồn biên phòng là chủ trương nhằm giúp đỡ các học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa, con em gia đình có công với cách mạng trên địa bàn biên giới. Các em được tạo điều kiện về mọi mặt, phát triển toàn diện để trở thành những công dân tốt. Chương trình cũng góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với đồng bào khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Thời gian tới, các đồn biên phòng còn lại của tỉnh Đắk Nông tiếp tục khảo sát, lựa chọn, nhận con nuôi, nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh”, Đại tá Phan Quí Vỹ thông tin.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Y Dũng tâm sự: “Con muốn học thật giỏi để có thể giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”. Còn Đặng Văn Minh thì bộc bạch: “Con muốn trở thành Bộ đội Biên phòng để có thể bảo vệ biên cương Tổ quốc như các "bố nuôi"”.
… Rời vùng đất cao nguyên Đắk Nông đầy nắng gió, ăm ắp trong mỗi thành viên đoàn phóng viên các cơ quan báo chí của Hà Nội là niềm vui, mơ ước của những em nhỏ "con nuôi" đồn biên phòng. Ai cũng tin tưởng về ngày mai tươi sáng của các em, cũng như về một dải biên cương của Tổ quốc mãi bình yên, bền vững, với những đóng góp lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa của các chiến sĩ quân hàm xanh.