Tội phạm trên không gian mạng: Mối đe dọa an ninh toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 20/12/2020
Trong vòng 1 tuần qua, cơ quan an ninh của Mỹ liên tục thông báo hàng loạt cuộc tấn công quy mô lớn của tin tặc nhằm vào các bộ: An ninh Nội địa, Tài chính, Thương mại. Thậm chí, một nhóm tin tặc tinh vi đã xâm nhập thành công vào nguồn thông tin liên lạc nội bộ của Bộ An ninh Nội địa. Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ đã ban hành chỉ thị khẩn cấp yêu cầu các cơ quan liên bang siết chặt biện pháp bảo đảm an ninh mạng.
Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch cải cách các quy định về an ninh mạng nội khối. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tấn công mạng nhằm vào Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu khiến dữ liệu về vắc xin ngừa Covid-19 bị truy cập trái phép. Các đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) bao gồm: Hình thành một "Lá chắn mạng toàn EU" liên kết với các cơ quan an ninh quốc gia sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy móc để sớm phát hiện các dấu hiệu tấn công; thành lập một đơn vị an ninh mạng để ứng phó với các sự cố và mối đe dọa; tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và với các tổ chức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bên cạnh đó, chiến lược mạng mới sẽ tập trung vào việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu như mạng lưới điện, nhà máy khí đốt, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng y tế cũng sẽ nằm trong những ưu tiên hàng đầu.
Nếu như trong thế kỷ XX, chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ hữu hình như đánh bom khủng bố, xung đột vũ trang… thì trong thế kỷ XXI, những nguy cơ đó trở nên vô hình hơn trên không gian mạng. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, an ninh mạng đang trở thành mối nguy hiểm lớn nhất về kinh tế và an ninh đối với các quốc gia vì “độ sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn bất kỳ loại vũ khí nào. Thực tế cho thấy, trên không gian mạng, tin tặc có thể tiến hành một cuộc tấn công khủng bố vào một cá nhân, tổ chức, thậm chí cả một quốc gia chỉ bằng một loại vi rút, mã độc, hoặc có thể gây ra một cuộc bạo loạn chỉ bằng một thông tin bịa đặt, giả mạo. Nói cách khác, khi tất cả các cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng của một quốc gia vốn được kết nối với internet như giao thông, y tế hay năng lượng không được bảo mật tốt, cũng có nghĩa là an ninh của quốc gia đó bị đe dọa. Chính vì thế, gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công nhận không gian mạng là một “lãnh thổ” mới, có tầm quan trọng ngang với các lãnh thổ khác trong chiến tranh, như trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian.
Việc bảo vệ quyền, lợi ích và ứng phó với các nguy cơ từ không gian mạng đã được xác định là một nội dung cốt lõi, sống còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, đối phó với các thách thức từ các nguy cơ an ninh mạng không phải là “bài toán” riêng lẻ từ quốc gia nào, mà cần có sự hợp tác đa phương, trên quy mô toàn cầu. Theo các chuyên gia an ninh, để có thể thiết lập một trật tự trên không gian mạng an toàn, các nước cần dựa trên hệ thống các quy định và luật lệ, đáp ứng nhu cầu phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Bên cạnh đó, việc xây dựng và củng cố lòng tin giữa các quốc gia cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay.