Múa cổ truyền Hà Nội: Chuyển động trong thời đại mới

Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 20/12/2020

(HNM) - Múa cổ truyền Hà Nội là một thành tố văn hóa đặc trưng của đất Thăng Long, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến hôm nay. Việc sưu tầm, phục dựng và phát triển múa cổ truyền Hà Nội đã được các cấp, ngành, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu Thủ đô tâm huyết thực hiện hàng chục năm qua. Song, trước thách thức của thời đại mới, công tác này cần nhiều nỗ lực để các điệu múa cổ truyền Hà Nội vừa chuyển động kịp với đời sống đương đại, vừa được lưu truyền một cách bền vững.

Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật múa rồng Hà Nội - 2020 ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Nguyễn Quang

Độc đáo, hấp dẫn

Sự háo hức hiện rõ trên gương mặt của hầu hết thành viên 13 đội múa rồng đến từ các quận, huyện, thị xã tham gia Liên hoan nghệ thuật múa rồng Hà Nội - 2020 mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020) diễn ra tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vừa qua. Không chỉ thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật múa rồng, các nghệ nhân, diễn viên còn tái hiện những sự kiện văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, đem lại cho công chúng những màn trình diễn mãn nhãn và giàu ý nghĩa. Cũng trong dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1010 năm tuổi, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã mời các nghệ nhân ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) biểu diễn các điệu múa rồng và múa chạy cờ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm trong chương trình “Hào khí Thăng Long”, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Đây là hai trong số các hoạt động tích cực của thành phố Hà Nội nhằm gìn giữ, quảng bá và phát triển các điệu múa cổ truyền Hà Nội trong đời sống đương đại. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích, gần 20 năm qua, Hội đã tìm kiếm, sưu tầm, phục dựng được gần 70 điệu múa cổ truyền tại các địa phương. Trong đó, có những điệu múa ý nghĩa, hấp dẫn, xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn của Thủ đô, như: Múa rồng, múa chạy cờ, múa bài bông, múa giảo long, rắn lột… Hội cũng cho ra mắt 6 cuốn sách, ghi hình 8 điệu múa, tổ chức 4 kỳ liên hoan và nhiều chương trình giới thiệu múa cổ truyền Hà Nội tại trung tâm Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Kim Mã, quận Ba Đình), chia sẻ: “Tôi được thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn múa cổ tại các hội làng và ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Mỗi điệu múa có nét riêng nhưng đều độc đáo, hấp dẫn, sôi động và khơi dậy xúc cảm, niềm tự hào về Thủ đô”.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều điệu múa cổ truyền dần bị mai một, thế hệ đi trước đã lớn tuổi và ngày càng thưa vắng, trong khi đó lớp trẻ lại kém mặn mà. Bên cạnh đó, còn nhiều điệu múa ẩn sâu trong đời sống cộng đồng cần được khơi dậy…

Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh nhận định, để có chuyển động vững chắc và lâu dài cho múa cổ truyền Hà Nội, cần phân tích giá trị của chúng trong đời sống đương đại. Múa cổ truyền Hà Nội là sản phẩm sáng tạo mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan, truyền tải ước mơ, khát vọng của người Hà Nội. Ngôn ngữ múa cổ truyền Hà Nội đều mang tính biểu tượng, thấm đẫm văn hóa dân tộc, lại gần gũi, mềm mại, dễ tiếp nhận.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, múa cổ truyền Hà Nội chính là gương mặt nhận diện văn hóa Thủ đô, tạo không khí vui tươi, thú vị trong đời sống tinh thần của người dân, cần thiết gìn giữ, phát triển trong thời đại mới.

Trình diễn điệu múa con đĩ đánh bồng tại lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Ảnh: Đỗ Tâm

Phát huy và phát triển múa cổ truyền

Để bước tiếp hiệu quả, bền vững trong công tác sưu tầm, phục dựng, phát triển nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội thời đại mới, Thạc sĩ Trịnh Quốc Minh, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội gợi mở, thành phố cần lập kế hoạch thống kê toàn bộ, tiến tới lập bản đồ di sản múa cổ truyền Hà Nội; xây dựng đề án liên kết với địa phương nơi các nghệ nhân, cộng đồng dân cư đang lưu giữ các di sản để thực hiện phương pháp bảo tồn “sống” các điệu múa cổ.

Theo Tiến sĩ Đặng Chí Thông, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, các địa phương nên chủ động phối hợp với các đơn vị du lịch, đưa trình diễn múa cổ truyền vào các tour, tuyến tham quan, tìm hiểu truyền thống. Điều này vừa tạo điều kiện bảo tồn, phát huy di sản, vừa góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương và nghệ sĩ, nghệ nhân nên tổ chức ghi âm, ghi hình, dàn dựng thành phim tư liệu các điệu múa cổ để đăng tải trên sóng truyền hình, mạng internet, mạng xã hội… nhằm phổ biến rộng rãi đến nhiều đối tượng công chúng hơn. Còn nghệ nhân múa con đĩ đánh bồng Triệu Đình Hồng (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) bày tỏ mong mỏi điệu múa đặc sắc này sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là gợi mở để thành phố hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận múa cổ truyền Hà Nội là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ở một hướng khác, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh cho rằng, việc phát triển múa cổ truyền Hà Nội là cần thiết nhưng phải thận trọng. Đặc biệt khi sử dụng chất liệu múa cổ truyền vào các sáng tác mới, đương đại, nhằm tiếp cận với công chúng hiện đại, người sáng tạo phải bảo đảm sự phù hợp, hài hòa, có thẩm mỹ và được phần lớn khán giả chấp nhận.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền khẳng định, thành phố sẽ tích cực tổ chức các liên hoan nghệ thuật múa cổ truyền Hà Nội để tạo điều kiện cho các nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi, phát huy khả năng, đem đến những món ăn tinh thần cho nhân dân, đồng thời quảng bá, giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế những loại hình nghệ thuật đặc sắc, nét đẹp văn hóa Thủ đô.

An Nhi