Nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Chính trị - Ngày đăng : 12:58, 21/12/2020
Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ. Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và đại diện lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương.
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu hệ thống Tòa án các cấp trên toàn quốc.
Xét xử 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2020, Tòa án nhân dân Tối cao đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra; tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án thụ lý 2.433.631 vụ việc, giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% so với nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, kết án oan người không có tội.
Đáng lưu ý, trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã xét xử 1.145 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, trong đó năm 2020 xét xử 269 vụ với 645 bị cáo.
Xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các kết quả, thành tích mà Tòa án các cấp đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 và năm 2020; biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, những đóng góp quan trọng của các Tòa án trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa cũng như lợi ích của Nhà nước…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 2020 là năm nước ta gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do tác động của dịch Covid-19, thiên tai. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự chung sức, đồng lòng của người dân nên chúng ta vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Nổi bật là tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn; tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Cùng với đó là tích cực tham gia xây dựng thể chế; tổ chức bộ máy được hoàn thiện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả..
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý Tòa án các cấp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; một số Tòa án chưa khắc phục triệt để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thực hiện quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Tòa án thực hiện quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hếtlà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; đồng thời, chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra. Để thực hiện thành công công cuộc cải cách tư pháp, Thủ tướng cho rằng các Toà án phải chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Trong đó, cần chuẩn bị tốt việc xét xử, giải quyết các tội phạm, tranh chấp và vi phạm phi truyền thống.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Cụ thể, hoạt động của Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp.
Ba là, tích cực, chủ động tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên trong hệ thống Tòa án phải quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từ đó, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững niềm tin của nhân dân. Vì thế, cần tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại Tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Tòa án, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Trong đó, phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử trong thời gian tới. Để thích ứng với thực tế này, Tòa án cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất chủ trương, hành lang pháp lý hướng tới xây dựng Tòa án điện tử phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, chú trọng xây dựng Tòa án điện tử chính là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tăng cường công khai, minh bạch với chi phí thấp; nâng cao khả năng tương tác, tiếp cận của người dân.
* Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương kết nối liên thông với trục văn bản quốc gia và công bố các dịch vụ công của Tòa án nhân dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhân dịp này, Tòa án nhân dân Tối cao đã khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao năm 2020.