Bứt phá để về đích sớm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 22/12/2020

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất công nghiệp của Hà Nội vẫn duy trì được sự tăng trưởng. Ước tính, năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 4,45% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng chung của cả nước, khẳng định sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của thành phố, quyết liệt vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để có được kết quả trên, thành phố Hà Nội đã chủ động, linh hoạt đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Nổi bật là thành phố triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tổ chức hội nghị đối thoại, lắng nghe các ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp từ đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Thành phố cũng tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng, khai thác thị trường nội địa… Sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của thành phố đã tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp Thủ đô vượt khó vươn lên, đóng góp vào sự phát triển chung.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; đến năm 2030 hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Để đạt mục tiêu này, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 10-9-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 4303/QĐ-UBND ngày 24-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành phố tiếp tục tập trung tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, mạng lưới giao thông giúp phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước. Cũng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, các cơ quan chức năng, địa phương của thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức nhiều hơn những triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế lớn đến tham quan, kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với các doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của thành phố, cần chủ động thay đổi phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi phương thức giao dịch nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với người tiêu dùng.

Sự vào cuộc chủ động, tích cực của các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp sẽ là cú hích quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển bứt phá, từ đó góp phần sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô.

Quỳnh Anh