Ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính động lực phát triển cho Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 15:11, 22/12/2020
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố...
Hoàn thành 609 nhiệm vụ
Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, năm 2020, Sở đã chủ động, tích cực chỉ đạo triển khai toàn diện 618 nhiệm vụ được Bộ Giao thông Vận tải và thành phố giao; đã hoàn thành 609 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ.
Trên cơ sở nhận diện các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất 9 nhóm giải pháp tương ứng nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Trong năm 2020, Sở đã rà soát, giải quyết 105/137 kiến nghị của Công an thành phố, 114/125 kiến nghị của các quận, huyện, thị xã liên quan đến công tác tổ chức giao thông. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Sở đã xử lý 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 “điểm đen” giao thông. Năm 2021, tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10/26 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới.
Sở đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố và các đơn vị liên quan đưa vào khai thác, sử dụng các công trình góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, như: Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên; đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dưới thấp và trên cao; đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng...; triển khai hoàn thành 117 công trình sửa chữa, cải tạo chống xuống cấp, công trình thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông và các công trình xử lý khắc phục sự cố...
Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo, phối hợp với lực lượng Công an thành phố, công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản 20.209 trường hợp, phạt tiền hơn 54,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.812 trường hợp, tạm giữ 249 phương tiện.
Nhằm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng và triển khai từng bước phương án kết nối tuyến với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn để phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác.
Tại cuộc làm việc, Sở Giao thông Vận tải cũng nêu 10 nhóm kiến nghị. Đáng chú ý, riêng về nhiệm vụ giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn, Sở kiến nghị thành phố 4 nội dung, nổi bật là chỉ đạo chủ đầu tư sớm triển khai một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến thắt “nút cổ chai” như: Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ; đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông và Hà Đông - Văn Điển; đường Nguyễn Tuân; đường Nguyễn Phong Sắc; dốc Vĩnh Hưng; nút giao Ba La - quốc lộ 6...
Tăng cường kết nối trong vùng Thủ đô
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã rất chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; xây dựng kế hoạch để kết nối tuyến đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết, xem xét chặt chẽ vấn đề về pháp lý, kỹ thuật..., bảo đảm vận hành an toàn sau khi Hà Nội tiếp nhận dự án.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao Sở Giao thông Vận tải đã bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ; góp phần tăng cường năng lực giao thông, cải thiện diện mạo đô thị, nông thôn; duy trì hoạt động giao thông, vận tải trên địa bàn thông suốt trong bối cảnh nhiều khó khăn do gia tăng mạnh về dân số cơ học, phương tiện giao thông...
Theo Bí thư Thành ủy, Đảng bộ Sở Giao thông Vận tải cũng đã chú trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, tăng cường cải cách hành chính, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Sở đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được thành phố giao, tiêu biểu như kiểm tra, xử lý hàng trăm phương tiện vận chuyển rác không đạt tiêu chuẩn.
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải rà soát, nghiên cứu các nghị quyết của HĐND thành phố về giao thông, vận tải theo hướng tích hợp thành một nghị quyết chung của HĐND thành phố hoặc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, hiệu quả.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành liên quan để điều chỉnh phù hợp với quy định của Trung ương, bảo đảm rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng “cắt khúc”, chồng chéo giữa các đơn vị.
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở Giao thông Vận tải cần rà soát, tham mưu điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các địa phương trên địa bàn thành phố; tăng cường kết nối trong vùng Thủ đô.
Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải tập trung phát triển ngành kinh tế vận tải theo hướng tăng cường kết nối, ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển các mô hình chia sẻ, đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Ngành Giao thông Vận tải sắp xếp các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trong đó xúc tiến chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án mới, các dự án mang tính động lực. Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý, các tuyến đường phải được quy hoạch, xây dựng theo hướng trở thành các trục phát triển, chứ không chỉ là đường giao thông.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đặc biệt yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chọn một số việc, vấn đề nổi cộm để tập trung giải quyết dứt điểm nhằm tạo chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận và thụ hưởng được một cách rõ rệt như: Cải thiện ùn tắc giao thông, phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, cải thiện cảnh quan môi trường, chất lượng không khí... Đồng thời, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xây dựng ý thức, văn hóa tham gia giao thông, bảo đảm hệ thống giao thông trên địa bàn vận hành ngày càng trật tự, thông suốt.