Liên thông để dễ quản lý
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:12, 24/12/2020
Trước đó, để xây dựng dự thảo Nghị quyết số 172/NQ-CP, Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp các địa phương, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên một số tỉnh, thành phố, các công chứng viên trên toàn quốc chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung. Nghị quyết số 172/NQ-CP đề cập toàn diện các mặt liên quan đến chính sách phát triển nghề công chứng gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện, xác định rõ các phương hướng quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Đặc biệt, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương là 3 địa phương sẽ thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính và giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Như vậy, trong tương lai, ngoài việc cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thủ tục theo cách hiện hành, còn có thể lựa chọn đến duy nhất một đầu mối để nộp hồ sơ và nhận kết quả. Phấn khởi đón nhận thông tin trên, anh Võ Đức Bằng, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết, theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện chuỗi thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất phải qua 3 lần nộp hồ sơ tại 3 cơ quan công chứng, thuế, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với không ít thành phần hồ sơ giống nhau. Chẳng hạn như, phải nộp bản sao, bản có công chứng các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các giấy tờ khác liên quan tại tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; xuất trình bản chính các giấy tờ theo quy định để đối chiếu khi thực hiện công chứng và khi nhận đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất, tài sản gắn liền với đất; đi tới cơ quan thuế đóng thuế. Việc thực hiện “một cửa” một đầu mối không những giúp đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm số lần đi lại, giao dịch, mà còn là cơ sở ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực...
Ông Tuấn Đạo Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng sẽ giúp đẩy lùi vấn nạn giấy tờ giả, giao dịch giả hiện nay.
Về phía các địa phương sẽ tiến hành thí điểm liên thông thủ tục đang nghiên cứu xây dựng, kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các sở, ban, ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, Hà Nội đang đẩy mạnh cập nhật, tra cứu thông tin giao dịch về đất đai, tài sản gắn liền với đất, nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu công chứng để chuẩn bị cho việc thực hiện công chứng trên môi trường điện tử… Dù vậy, các địa phương đều cho rằng đây là việc hết sức cần thiết nhưng khá mới nên Bộ Tư pháp cần chủ động rà soát thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thuế và đề xuất phương án hoàn thiện mô hình liên thông; phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… hướng dẫn các địa phương trong quá trình thí điểm.
Ở góc độ là người thụ hưởng dịch vụ, ông Đoàn Chí Nam ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa mong muốn, mức phí thực hiện liên thông cũng cần được Bộ Tài chính quy định thống nhất để tránh áp dụng tùy tiện, bảo đảm thực hiện thống nhất tại các tổ chức hành nghề công chứng và có căn cứ để thu thuế.