''Ma trận'' quảng cáo thực phẩm chức năng
Xã hội - Ngày đăng : 05:00, 25/12/2020
Sai phạm liên tục
Môi trường kinh doanh online bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua đã và đang là mảnh đất màu mỡ cho thực phẩm chức năng (TPCN) tiếp cận người tiêu dùng. Với những lời quảng cáo “trên trời”, cách thổi phồng công dụng sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy” chỉ sau một cú click chuột. TPCN đang được quảng cáo như một phương thuốc đặc trị, “thần dược” đối với nhiều loại bệnh. Để tăng tính thuyết phục khách hàng, phía quảng cáo lồng ghép hình ảnh, ý kiến của người tiêu dùng, người nổi tiếng, các y, bác sĩ..., thậm chí người bán cam kết hoàn tiền nếu người sử dụng sản phẩm không thấy hiệu quả.
Tuy nhiên, mua TPCN qua mạng, cái mà người tiêu dùng thường nhận lại là “tiền mất tật mang”. Ví như sản phẩm Cholessen được cấp phép là TPCN nhưng trên nhiều website, mạng xã hội lại được quảng cáo là có công dụng như một loại thuốc chữa bệnh, thay thế được thuốc tây y trị chứng máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, men gan cao. Thông tư số 08/2013/TT-BYT quy định cấm quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; cấm quảng cáo bằng các bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Nhưng, với cách quảng cáo sản phẩm Cholessen trên các website, mạng xã hội thì những ai không tỉnh táo sẽ nghĩ rằng bệnh nhân chỉ cần dùng sản phẩm Cholessen là bệnh sẽ khỏi, không cần đi khám định kỳ và xin ý kiến của bác sĩ. Điều này đã vi phạm quy định về quảng cáo, khiến người bệnh hiểu nhầm.
Việc người tiêu dùng nhầm lẫn giữa TPCN và thuốc vì tin vào các quảng cáo đã gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe. Thời gian qua, các bác sĩ tại Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội... liên tiếp đưa ra lời cảnh báo khi xuất hiện nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị chỉ vì sử dụng TPCN. Thậm chí, nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện, vì tin vào những lời giới thiệu của người quen, nội dung quảng cáo “có cánh” trên mạng nên đã tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ để chuyển sang dùng TPCN, khiến bệnh thêm trầm trọng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khẳng định quảng cáo TPCN sai sự thật là hành vi bất chấp luân thường đạo lý bởi với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tiến hành phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc kéo dài cuộc sống. Thế nhưng, vì tin vào quảng cáo TPCN có thể chữa được “bách bệnh” nên người bệnh mua về dùng, và khi họ dùng TPCN không thấy khỏi, quay lại bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, có can thiệp cũng không đạt hiệu quả cao.
Tỉnh táo lựa chọn
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho hay: “Thực trạng quản lý TPCN đang có diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ quảng cáo qua mạng xã hội, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN qua điện thoại, trên các website hay tổng đài tư vấn, họ tự nhận là dược sĩ, bác sĩ nhưng phần lớn những người này không có kiến thức về dinh dưỡng, là sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp... Điều này tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe, kinh tế cho người sử dụng”.
Thời gian qua, khi loại hình bán hàng online phát triển mạnh, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều thông tin khuyến cáo về các sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, hành vi vi phạm về quảng cáo TPCN trên không gian mạng vẫn không giảm. Đáng nói, với nhiều hành vi quảng cáo sản phẩm TPCN sai quy định, khi cơ quan quản lý tìm tới làm việc, có doanh nghiệp phủ nhận trách nhiệm, biện minh rằng sản phẩm là của họ nhưng các quảng cáo vi phạm thì không biết là của ai.
Một số chuyên gia cho rằng, các quy định về quản lý TPCN có nêu rất rõ trách nhiệm của các đơn vị nhập khẩu, sản xuất. Bởi vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo "nổ không có điểm dừng" như hiện nay, cần xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần đấu tranh với hành vi vi phạm từ chính các doanh nghiệp. Bên cạnh giải pháp của các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi quảng cáo TPCN sai quy định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPCN chân chính, thì chính mỗi người dân cần tỉnh táo trước nội dung quảng cáo TPCN, tôn trọng ý kiến của bác sĩ khi điều trị bệnh cũng như khi sử dụng TPCN.