Công phu nghề chăm... thú quý
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 26/12/2020
Kích hoạt phương án chống rét
Những cơn gió mùa Đông Bắc liên tục tràn về đã kéo thời tiết Hà Nội hồi tuần trước xuống còn 12-13 độ C. Ngay lập tức, phương án chống rét cho hơn 700 cá thể động vật, trong đó có khoảng 250 cá thể động vật quý hiếm đang được nuôi dưỡng tại Vườn thú Hà Nội (còn gọi là Công viên Thủ Lệ) đã được kích hoạt. Từng khu chuồng trại dường như bớt thấy xuất hiện các loài thú quý. “Thú cũng như con người thôi, trời lạnh nên chúng chui vào chuồng trú ẩn để tránh thời tiết khắc nghiệt”, các nhân viên chăm sóc thú tại Vườn thú Hà Nội đều nói như vậy khi đề cập đến tập tính của các cá thể động vật đang nuôi ở đây.
Tại khu vực bể đầm, một tốp công nhân đang tất bật chuẩn bị bữa ăn cho 3 “chú” hà mã. Người vận hành máy cắt cỏ voi thành từng đoạn ngắn 2-3cm, người thì thái chậu lớn rau, củ, quả các loại, lại có người lo kiểm tra dãy bình đun nước nóng...
Công nhân Phạm Ngọc Anh (Tổ trưởng Tổ Chăn nuôi hà mã) cho biết, hà mã là loài quen sống trong môi trường đầm lầy với thức ăn chủ yếu là cỏ voi và rau, củ, quả. Có 5 bình đun nước nóng cỡ lớn với tổng công suất 400 lít đun liên tục trong suốt mùa đông. Hệ thống ống cấp nước nóng được bố trí ngầm dưới đáy bể vừa giúp giữ được nhiệt độ trong bể, vừa bảo đảm an toàn, để hà mã duy trì tập tính sinh học. Định kỳ hằng năm trước khi mùa đông đến, vườn thú sẽ bơm bùn mới vào, đến tháng 5 vét bùn ra rồi bơm nước để tạo môi trường mát mẻ cho hà mã. Lớp bùn bám trên da giống như lớp “áo khoác” giúp hà mã ngăn được các loại côn trùng tấn công.
"Còn về thực đơn, trung bình mỗi ngày, mỗi “chú” hà mã xơi khoảng 70kg cỏ voi và 5-7kg rau, củ, quả cùng với cơm nắm, đậu xanh nấu chín. Ngoài ra, khi thời tiết khắc nghiệt, hà mã cũng như nhiều loại thú quý hiếm sẽ được bổ sung các loại vitamin tổng hợp nhằm tăng sức đề kháng. Nhờ vậy, sau khoảng 10 năm từ châu Phi về Việt Nam, 3 “chú” hà mã đều đã quen với điều kiện chăm sóc tại Vườn thú Hà Nội và sinh trưởng tốt", anh Phạm Ngọc Anh nói.
Trong các khu chuồng kín nuôi hổ, voi, khỉ, vượn..., các máy sưởi dầu, quạt thổi hơi nóng hoạt động hết công suất. Có con thú thì ngồi yên “tận hưởng” hơi ấm, lại có con dường như cuồng cẳng, chốc chốc chạy khắp chuồng rồi thỉnh thoảng đảo qua quạt để sưởi. Tại khu chăn nuôi những loài thú móng guốc (hươu cao cổ, nai, hoẵng, dê, cừu...) có không gian rộng, công nhân phải áp dụng biện pháp sưởi thủ công cho thú là đốt củi khô. Đây là củi tận dụng từ quá trình cắt tỉa cây xanh, cây sâu mục trong công viên. Còn các chuồng công, hồng hoàng... có bố trí kính cường lực trong suốt để vừa chống gió lùa, ngăn mùi, vừa giúp du khách không cảm thấy khó khăn trong việc quan sát.
Yêu thú, yêu nghề
Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội) Phạm Đình Mạnh kể, đều là những động vật hoang dã song khả năng thích ứng với thời tiết của từng loài là khác nhau. Như hổ, hươu cao cổ, hà mã, linh dương... có nguồn gốc châu Phi, so với các loài động vật có nguồn gốc Việt Nam thì khả năng chịu rét không bằng. Vì vậy, khi nhiệt độ xuống dưới 17 độ C là các biện pháp chống rét cho thú được kích hoạt, còn khi thời tiết 35-36 độ C trở lên thì triển khai phương án chống nóng.
Mọi phương án chống rét, chống nóng đều tuân thủ theo các khung quy chuẩn. Tại các khu chuồng trại đều bố trí nhiệt kế, hằng ngày có nhân viên chia ca theo dõi 24/24 giờ và các bộ phận kỹ thuật thường xuyên kiểm tra công tác chăm sóc, nuôi dưỡng động vật để có phương án xử lý kịp thời. Vườn thú bố trí một kỹ sư chăn nuôi hằng ngày đưa ra khẩu phần ăn cho từng loài động vật bảo đảm đủ dinh dưỡng.
Vào những ngày nóng nực, ngoài bơm nước đầy vào bể, vào sàn và bật thêm quạt thông gió để thông thoáng, tăng cường thêm các loại rau, củ, quả, các loài thú tại đây còn được cung cấp thêm các loại vitamin, chất điện giải phù hợp để giải nhiệt… Ngoài ra, trong năm, tùy từng thời điểm sẽ phun thuốc phòng, chống dịch bệnh.
Khó khăn lớn nhất trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các loài động vật hoang dã, quý hiếm này là gì? Trả lời câu hỏi này, ông Uông Huy Hòa, cử nhân sinh học, người có thâm niên 21 năm chăm sóc và gắn bó với nhiều đời voi tại Vườn thú Hà Nội vừa chăm sóc "chú" voi to lớn hơn 10 năm tuổi, vừa chia sẻ: “Chúng không biết nói nên mình phải luôn cảm nhận, xác định được tình trạng của chúng để xử lý. Như con voi Tây Nguyên này về vườn thú từ năm 2013. Lúc mới ra Bắc, voi chưa thích nghi được với trời rét nên kém ăn, bị tắc phân, gần 1 tháng chỉ nằm một chỗ. Nắm bắt tình hình của voi nên anh em trong tổ chăm sóc phải kiếm cách giúp cho voi bớt mệt. Thú thực, yêu thú, rồi yêu nghề. Gắn bó lâu rồi dần coi nhau như bạn, cũng buồn khi thấy chúng mệt mỏi, kém ăn kém uống và vui những lúc nhìn chúng tung vòi quơ thức ăn, ve vẩy đôi tai chào khách tham quan”.
Lại nói thêm về cái sự khó khăn ấy, ông Phạm Đình Mạnh bảo, con người khi ốm đau còn biết nói, biết kể nhưng con thú thì không. Trang thiết bị để khám chữa bệnh cho thú cũng hạn chế, chỉ có thể khám và bắt bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Chẳng hạn, mùa rét các con thú thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Có con vật chỉ cần nhìn thấy mũi khô là biết có vấn đề. Hay như con gấu khi thở, lưỡi thè ra nhiều hơn so với bình thường thì phải phát hiện ngay để có giải pháp chữa trị. Việc lấy máu cho thú để xét nghiệm, đặc biệt là với loài hổ, rất khó khăn. Hiện hơn 80 cán bộ, kỹ sư, bác sĩ thú y và công nhân viên của Vườn thú Hà Nội trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng động vật vẫn chủ yếu dựa trên lòng yêu nghề và kinh nghiệm tích lũy.
Khó có thể kể hết sự công phu của công việc chăm sóc động vật ở Vườn thú Hà Nội. Nhưng nhìn những hổ trắng, hổ vàng, gấu, hà mã, linh dương, công, phượng…, trong đó có không ít loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng đang ung dung đi lại trong các chuồng trại ngay trong những ngày lạnh giá mới thấy được quyết tâm của thành phố, tình yêu nghề của những con người nơi đây trong nhiệm vụ bảo tồn động vật hoang dã, để Vườn thú Hà Nội luôn là một điểm đến hấp dẫn cho người dân Thủ đô cũng như du khách gần xa…