Ba nhà giáo Hà Nội và Huân chương Cành cọ Hàn Lâm
Giáo dục - Ngày đăng : 15:09, 19/01/2005
Ba nhà giáo và Đại sứ Pháp trong lễ nhận Huân chương
Năm 1988, Trường THCS Chu Văn An được chọn là nơi đầu tiên thực hiện đề án dạy tiếng Pháp bậc THCS cho học sinh lớp 6, để rồi liên tiếp sau đó, trường luôn được "chọn mặt" để "gửi vàng" xung kích trong những dự án tiếp theo: mở một trong sáu lớp tiếng Pháp song ngữ ở Hà Nội do ĐSQ Pháp tài trợ vào năm 1993, tham gia vào dự án "Giảng dạy tiếng Pháp tăng cường" của Bộ GD&ĐT phối hợp cùng l'AUPELF (nay là AUF - Tổ chức Đại học Pháp ngữ) năm 1994...
Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện tốt các dự án, thầy và trò các lớp song ngữ Chu Văn An còn tham gia tích cực các hoạt động chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội như các tiết mục văn nghệ, đóng góp trong 4 phim tài liệu chiếu tại Hội nghị Thượng đỉnh, tham dự Hội nghị giảng dạy tiếng Pháp của Cộng đồng Pháp ngữ tổ chức tại Huế, đón tiếp Ngài Thanh tra Bộ Giáo dục Pháp, đoàn đại biểu Hội đồng Ile de France, đoàn đại biểu trường Trung học Marie Curie de Sceaux... đến thăm trường và dự giờ.
Từ năm 1998, Trường Chu Văn An và trường Marie Curie thiết lập quan hệ kết nghĩa và thành lập câu lạc bộ học sinh Pháp ngữ. Giáo viên và học sinh hai trường nói riêng và học sinh khối Cộng đồng Pháp ngữ nói chung đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, thường xuyên trao đổi thư từ, tranh ảnh, băng đĩa, đồ dùng phương tiện học tập, sang thăm hữu nghị... để tăng cường sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện giữa các trường. Từ năm 2002 đến nay, gần 20 em học sinh song ngữ xuất sắc của trường THPT Chu Văn An (học song ngữ từ trường THCS Chu Văn An) đã được sang học chuyển tiếp (lớp 11) tại trường kết nghĩa Marie Curie và nhiều em đã tiếp tục học lên bậc đại học tại Pháp với sự giúp đỡ của phía bạn.
Như lời đánh giá của ngài Jean Francois Blager - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam: "Ba nhà giáo được trao tặng Huân chương cành cọ Hàn lâm vì đã có những nỗ lực lớn trong đào tạo và phổ biến ngôn ngữ cùng văn hóa Pháp tại hai trường Trung học Chu Văn An, xác lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa các trường trung học Việt Nam và Pháp", Nhà giáo ưu tú Đinh Văn Bình - hiệu trưởng là người đi đầu trong việc thành lập khối Pháp ngữ tại trường THCS Chu Văn An, và với vốn tiếng Pháp khá "chuẩn", thầy đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, hữu nghị giữa trường Chu Văn An và các trường Trung học Pháp. Nhà giáo Đinh Sĩ Đại cũng có nhiều công lao trong việc phát triển các lớp song ngữ trong trường THPT Chu Văn An. Hai thầy hiệu trưởng đã nhiều lần dẫn đầu đoàn giáo viên, học sinh hai trường Chu Văn An sang thăm nước Cộng hòa Pháp, gặp gỡ, giao lưu với học sinh 9 nước sử dụng tiếng Pháp, với trường Trung học Marie Curie, được đích thân Chủ tịch Hội đồng vùng Ile de France đón tiếp, đặc biệt là thầy hiệu trưởng Đinh Sĩ Đại được tiếp kiến Tổng thống Pháp Jacques Chirac.
Gắn bó với đề án thí điểm tiếng Pháp bậc THCS ngay từ năm 1988, khi vừa tốt nghiệp cử nhân khoa tiếng Pháp Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cô Trần Thị Chi Lan - giáo viên Trường THCS Chu Văn An, đã góp phần không nhỏ vào thành công của dự án thí điểm tiếng Pháp. Đến năm 1993, Trần Thị Chi Lan cũng là người đầu tiên được chọn dạy thí điểm song ngữ tiếng Pháp. Đúng với tính chất lớp "song ngữ", học sinh được học 13 tiết Pháp văn mỗi tuần, bao gồm cả ngôn ngữ và văn học Pháp, ngay cả các môn Toán, Lý cũng đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Ngoài việc giảng dạy và học tập trên lớp, cô giáo Trần Thị Chi Lan còn tổ chức nhiều hình thức "vừa chơi vừa học" như tổ chức "Ngày hội đọc sách", dạ hội, học hát tiếng Pháp, khuyến khích viết thư trao đổi, giao lưu kết nghĩa với học sinh trường Trung học Marie Curie (Pháp)... để học sinh vừa có khả năng vận dụng thực hành tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, vừa gây hứng thú cho học sinh, lại giúp học sinh hai nước thắt chặt thêm tình hữu nghị, hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ. Năm 1997, khi Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội, cô giáo Trần Thị Chi Lan cùng học sinh lớp song ngữ của trường đã biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong bạn bè quốc tế. Và một điều vinh dự nữa trong thời gian này là cô giáo Trần Thị Chi Lan được chọn đón tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đến thăm tiết dạy tại phòng học tiếng nhân dịp khánh thành trường THCS Trưng Nhị.
Liên tiếp từ năm 1994 cho đến nay, cô giáo Trần Thị Chi Lan còn là giáo viên tiếng Pháp song ngữ kiêm nhiệm của trường PTCS Giảng Võ, rồi giáo viên kiêm nhiệm của trường PTCS Trưng Nhị, tham gia bồi dưỡng cho sinh viên - giáo viên tương lai trong các lớp song ngữ tại khoa Pháp - Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ HN, tham gia đào tạo giáo viên mới được tuyển vào chương trình song ngữ tại CFC (Trung tâm tiếng Pháp chuyên ngành) - ĐH Bách khoa, HN; tham gia đào tạo về văn minh Pháp cho giáo viên chương trình Song ngữ; cố vấn sư phạm của dự án lớp song ngữ của Bộ Giáo dục & Đào tạo và tổ chức AUF, phụ trách sư phạm CLB những người nói tiếng Pháp trẻ tuổi (CJF) của Cung thiếu nhi Hà Nội, tham gia vào dự án nghiên cứu đa quốc gia (Việt Nam, Lào, Pháp và Gabon) với sự tài trợ của AUF về đề tài: "Lý luận giáo dục về ngôn ngữ, vấn đề giao thoa văn hóa trong lớp học tiếng Pháp - nghiên cứu đối chiếu" do bà Rispail, giảng viên trường Đào tạo giáo viên Nice và phòng nghiên cứu Lidelem, ĐH Brenoble làm chủ biên, tham luận tại Hội thảo tiếng Pháp khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Dù bận rộn với biết bao công việc xã hội, công việc gia đình khi hai con gái còn nhỏ, chồng lại thường xuyên đi công tác xa, cô giáo Trần Thị Chi Lan vẫn không ngừng phấn đấu học hỏi, trau dồi nghiệp vụ: năm 2001, cô tốt nghiệp bằng Cao học ngành tiếng Pháp và năm 2004 vừa qua, lại nhận tiếp bằng Thạc sĩ ngành Khoa học ngôn ngữ Pháp. Cô tâm sự: "Thế giới này thật là rộng lớn nhưng cũng rất nhỏ bé nếu chúng ta chinh phục được nó. Tôi muốn thế hệ sau có thể tự tin bước ra thế giới, hội nhập với năm châu, mà điểm khởi đầu, không gì khác, chính là bằng ngôn ngữ".
Thu Hằng