Anh - EU đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit: Bảo đảm cuộc chia tay êm thấm
Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 26/12/2020
Anh chính thức rời EU từ ngày 31-1-2020 sau cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2016, nhưng hai bên duy trì mô hình quan hệ cũ cho tới hết năm 2020 để tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Trước khi đạt được thỏa thuận, hai bên vẫn bất đồng về vấn đề quyền đánh bắt cá của EU tại các vùng biển của Anh và các quy định nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp hai phía. Mâu thuẫn khiến các cuộc đàm phán bị bế tắc suốt 9 tháng qua.
Trên thực tế, nghề cá chỉ chiếm 0,01% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh nhưng lại có ý nghĩa quan trọng. London xem việc lấy lại toàn bộ quyền kiểm soát vùng biển là biểu tượng của Brexit nên không chấp nhận chia sẻ quyền đánh bắt với các ngư dân châu Âu trong vùng nội thủy của mình. Trong khi đó, EU lập luận rằng, họ đã đánh bắt cá tại vùng biển của Anh trong hàng thế kỷ qua và điều này cần tiếp tục duy trì.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm 47% kim ngạch thương mại của khối này vào năm 2019. Anh có thâm hụt thương mại 79 tỷ bảng (106 tỷ USD) với EU trong khi thặng dư dịch vụ 18 tỷ bảng. Do đó, theo các nhà phân tích, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, “cuộc ly hôn” kéo dài 5 năm sẽ có một cái kết tồi trong bối cảnh nền kinh tế Anh và EU đều đang chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Về vấn đề thương mại, sau ngày 31-12 tới, hàng hóa của Anh sẽ mất quyền tiếp cận mức thuế và hạn ngạch bằng 0 khi nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu với 450 triệu người tiêu dùng. Quan hệ thương mại của Anh với 27 quốc gia EU sẽ dựa trên quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các khoản thuế khiến giá cả hàng hóa tăng đáng kể. Hoạt động giao dịch hàng hóa tại biên giới có nguy cơ bị gián đoạn, đặc biệt là tại các điểm giao nhau chính với nguy cơ thiếu hụt một số loại thực phẩm do Anh nhập khẩu 60% thực phẩm tươi sống từ các nước EU. Tác động về lâu dài có thể gây thiệt hại lớn cho cả Anh và 27 thành viên liên minh. Viện Nghiên cứu kinh tế Halle dự báo, các công ty xuất khẩu của EU sang Anh có thể mất hơn 700.000 việc làm nếu không có thỏa thuận thương mại nào được thống nhất.
Vì vậy, thỏa thuận đạt được vào “phút 89” sau khi phía Anh đưa ra những nhượng bộ về quyền đánh bắt cá đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất mà cả hai bên đều không mong muốn, đó là Anh sẽ rời “mái nhà chung” mà không có thỏa thuận. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 24-12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, hai bên đã đạt được một thỏa thuận công bằng, đúng đắn và xứng đáng cho những nỗ lực đàm phán.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhấn mạnh, đây là một "thông tin tuyệt vời" đối với các gia đình và doanh nghiệp của Anh. Để thỏa thuận kịp thời có hiệu lực vào ngày 1-1-2021, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier có trách nhiệm giới thiệu tóm tắt thỏa thuận với các đại sứ 27 quốc gia thành viên của khối trong sáng 25-12. Sau đó, các đại sứ sẽ làm việc trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh để thỏa thuận được thông qua vào cuối năm nay.
Như vậy, sau 9 tháng đàm phán (khởi động hồi tháng 3-2020), văn kiện lịch sử trên đã bảo đảm Anh rời EU một cách êm thấm, tái định hình quan hệ giữa hai bên trong tương lai; đồng thời bảo đảm dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.