Năm 2020: Việt Nam hứng chịu 576 trận thiên tai khiến 357 người chết và mất tích
Đời sống - Ngày đăng : 13:14, 26/12/2020
Từ đầu năm 2020 đến nay, người dân khắp các vùng miền trên toàn quốc đã phải hứng chịu 576 trận thiên tai; trong đó 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long… Các đợt thiên tai này đã làm 291 người chết, 66 người mất tích, 912 người bị thương, ước thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỷ đồng...
Ngay sau các đợt thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tới cơ sở, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất; kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh. Thông qua đó, các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ gần 2.162 tỷ đồng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai còn vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ 55 quốc gia và tổ chức quốc tế với tổng kinh phí là 25,06 triệu USD (tương đương 583,5 tỷ đồng) giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với nhiệm vụ trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả phân bổ nguồn lực hỗ trợ và việc triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương kịp thời, hiệu quả, minh bạch…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Tổng cục sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến các địa phương; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai (đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền...); ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt...
Cùng với nhiệm vụ trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tiếp tục tham mưu Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy cơ mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai...
Tổng cục Phòng, chống thiên tai tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, phát triển lực lượng xung kích cơ sở hoạt động hiệu quả...