“Xanh hóa” logistics để phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 04/12/2022

(HNM) - Phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu, đồng thời là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics. Tuy nhiên, để “xanh hóa” ngành logistics, cơ chế, chính sách liên quan cần sớm được hoàn thiện theo hướng khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng đến phát triển logistics xanh.

Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Thế Hải

Xu hướng tất yếu

Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như chuỗi cung ứng cho thương mại nội địa. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia khảo sát và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về Chỉ số hiệu quả logistics.

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logistics song hành với tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính là một nhiệm vụ lớn với ngành. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, “xanh hóa” là vấn đề mang tính thời sự thiết thực và là xu hướng tất yếu, tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của ngành logistics. Trên thực tế, logistics là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2019 cho thấy, giao thông đường bộ có lượng khí thải CO2 chiếm đến 85%, tiếp đến là vận tải đường thủy nội địa 10% và vận tải đường hàng không 5%. Trong khi đó, vận tải đường sắt còn gây ô nhiễm tiếng ồn bên cạnh khí thải độc hại do phương tiện cũ và lạc hậu.

Còn theo Báo cáo logistics Việt Nam 2022 của Bộ Công Thương, chỉ có 31% doanh nghiệp logistics được khảo sát có sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành kho bãi; 26,8% doanh nghiệp logistics không có chiến lược phát triển xanh; 35,2% doanh nghiệp không có hoạt động kiểm soát môi trường…

Kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh

Để “xanh hóa” logistics, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế kiến nghị, Nhà nước cần sớm xem xét xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển logistics xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức, đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp. Ngoài ra, về cơ chế, chính sách, cần khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển logistics xanh, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, thay đổi phương thức vận tải; tạo động lực thông qua giảm thuế và chi phí cho doanh nghiệp.

“Chúng ta cần xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính; chính sách tài chính và phi tài chính ràng buộc các doanh nghiệp kinh doanh, các ngành nghề, địa phương phải thực hiện logistics xanh; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh”, bà Trịnh Thị Thu Hương đề xuất.

Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nêu quan điểm, trong thời gian tới, cần nâng cao ý thức, chung tay kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối hàng hóa. Cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp.

Liên quan tới vấn đề đào tạo, đại diện Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam đề xuất phối hợp nghiên cứu, xây dựng các bộ chương trình đào tạo chuẩn, chuẩn hóa đối với các vị trí công việc trong ngành logistics. Trong đó, nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới; xây dựng các khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật kiến thức quản trị nhân lực xanh gắn với logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.

Tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2022 tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, bộ, ngành chức năng cần khẩn trương xây dựng, ban hành chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam, bảo đảm được những yêu cầu phát triển mới của lĩnh vực này. Chiến lược cần chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường, hoàn thiện thể chế, chính sách về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics. “Cần triển khai một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics, coi đây vừa là yêu cầu, vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững. Thực hiện logistics xanh trong bối cảnh mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lam Giang