Dành hơn 41.000 tỷ đồng vốn nhà nước xây dựng thành phố Thủ Đức
Kinh tế - Ngày đăng : 16:06, 26/12/2020
Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình số 4472/TTr-SQHKT gửi UBND thành phố về phê duyệt Đề án hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là thành phố Thủ Đức) giai đoạn 2020-2035.
Theo tờ trình, quá trình hình thành và phát triển thành phố Thủ Đức được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 - Khởi tạo (2020-2022), với nhiệm vụ là thành lập cơ quan quản lý - chính quyền đô thị; dự thảo cơ chế đặc thù - cơ chế phối hợp, hợp tác, cộng tác; xây dựng các bộ tiêu chí và công cụ quản lý, xây dựng dự án (thí điểm, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn); tạo quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất…
Giai đoạn 2 - Triển khai (2023-2030), nhà nước sẽ triển khai thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu triển khai đầu tư chiến lược. Giai đoạn này nhà đầu tư xác định kế hoạch đầu tư và nhu cầu nguồn nhân lực; đánh giá quá trình thực hiện và điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch trong thời gian tới.
Giai đoạn 3 - Hoàn thiện (2030-2040), nhà nước phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, giao thông, hạ tầng, thiết kế đô thị các khu vực trên địa bàn thành phố theo mô hình phát triển của thành phố Thủ Đức, thiết lập mạng lưới hợp tác quốc tế. Cũng trong giai đoạn này, nhà đầu tư mở rộng triển khai kế hoạch đầu tư quốc tế và kế hoạch giữ chân nhân tài trong nước.
Về nhu cầu vốn, theo tờ trình, trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu vốn khu vực nhà nước (gồm vốn ngân sách và vốn nhà nước đi vay hoặc phát hành trái phiếu) ước tính hơn 41.660 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông chiếm khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2020-2025, tỷ trọng GRDP tăng trưởng 100% sau 5 năm; số lượng doanh nghiệp, việc làm tăng trưởng 50% sau 5 năm; số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm.