Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 19:41, 26/12/2020
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí là đại biểu Quốc hội tỉnh qua các thời kỳ.
Trong diễn văn kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta đã diễn ra trên phạm vi cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước dù trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, trong khi ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “...kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh dấu sự ra đời của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; thành lập một Chính phủ thống nhất, ban hành một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ.
Thắng lợi của Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Đó còn là sự khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, trải qua 14 khóa, đã có 110 đại biểu, trong đó có nhiều đại biểu giữ những vị trí quan trọng của đất nước và các cơ quan trung ương.
Dù ở cương vị nào, các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đều phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, có nhiều đóng góp hiệu quả trong công tác lập pháp, giám sát và tham gia quyết định những vấn đề lớn của đất nước và địa phương. Hoạt động của đoàn đã góp phần vào sự đổi mới các hoạt động Quốc hội.
Về kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, báo cáo tại buổi lễ cho thấy, Đoàn đã có nhiều nỗ lực, đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, được cử tri và nhân dân tin tưởng, đóng góp vào sự thành công của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động bám sát và triển khai hiệu quả chương trình công tác hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức linh hoạt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trên từng lĩnh vực: Công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, công tác dân nguyện, tham gia kỳ họp Quốc hội...
Nhân dịp này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tặng bức trướng cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 - 6/1/2020); UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 9 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.