Ngành Nông nghiệp vượt khó, tăng trưởng ấn tượng
Xã hội - Ngày đăng : 06:08, 27/12/2020
Linh hoạt điều chỉnh, thúc đẩy tăng trưởng
- “Một năm đầy ấn tượng” - nhiều người nói như vậy khi nhận định về kết quả sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội trong năm 2020. Đồng chí có thể chia sẻ gì về điều này với bạn đọc Báo Hànộimới?
- 2020 là năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng bởi dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ bị hạn chế, nguồn thực phẩm chế biến gặp khó khăn do giãn cách xã hội. Trong khi đó, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan; chưa kể tác động tiêu cực từ những diễn biến bất thường của thời tiết...
Thế nhưng, vượt qua khó khăn, nông nghiệp Thủ đô đã đạt mức tăng trưởng mang tính đầy bứt phá. Giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt 4,2% - mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đầu năm là 1,2% (kế hoạch ban đầu là 3%) và cao hơn so với chỉ tiêu thành phố giao khi có ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 0,2% (thành phố giao 4%). Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá cố định) là 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm trước. Cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch kịp thời, trong đó trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 41,55%; chăn nuôi, thủy sản chiếm 56,22% và dịch vụ chiếm 2,23%.
Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chuyển đổi theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn. Đáng chú ý, thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia.
- Ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có sự phục hồi rất đáng ghi nhận khi quý I tăng trưởng âm, sau đó tăng trưởng mạnh và đạt mức 4,2% cả năm. Vậy điều gì được rút ra từ sự tăng trưởng ngoạn mục này, thưa đồng chí?
- Quý I ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng âm 1,17% và đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, ngành Nông nghiệp đã có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng vụ sản xuất. Theo đó, sang quý II là thời điểm sản xuất cây màu vụ xuân, bám sát nhu cầu thị trường, Hà Nội đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Đối với lúa xuân, ngành đã chỉ đạo các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu, gieo trồng các giống lúa có chất lượng và năng suất cao như TBR 225, QR15... để tăng năng suất. Đối với cây rau, ngành chú trọng trồng nhóm rau ngắn ngày, chất lượng cao tại các hợp tác xã và vùng rau an toàn để tăng sản lượng. Với sự điều chỉnh này, sản lượng rau vụ xuân đạt 212.138,9 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ, thúc đẩy tăng trưởng trồng trọt trong quý II. Đáng chú ý, các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả, đặc sản (cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn...), cây có giá trị cao, ứng với điều kiện canh tác của từng địa phương.
Đặc biệt, góp phần đáng kể vào kết quả nêu trên là sự chỉ đạo linh hoạt trong phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hai lĩnh vực này đã phát triển mạnh khi đàn gia cầm đạt tới 39,873 triệu con, tăng 7,78% so với năm 2019; sản lượng thủy sản năm 2020 đã đạt 116,573 nghìn tấn, tăng 3,49% so với năm trước, giá trị sản phẩm thủy sản tăng 1,5-3 lần. Nhờ nguồn lực này, sản phẩm thịt gia cầm trở thành nguồn thực phẩm thay thế quan trọng trong giai đoạn thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Bên cạnh đó, ngành còn đẩy mạnh tái đàn lợn hiệu quả và điều này vừa giúp khôi phục, vừa tạo tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững
- Sản xuất nông nghiệp không chỉ là sinh kế của người dân khu vực nông thôn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường Hà Nội, với yêu cầu ngày càng cao cả về “lượng” và “chất”. Để thực hiện nhiệm vụ này, mục tiêu hướng tới trong năm 2021 của ngành Nông nghiệp là gì, thưa đồng chí?
- Mục tiêu hướng tới của nông nghiệp Thủ đô là sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ..., sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển làng nghề kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu... Năm 2021, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 3% trở lên.
Năm 2021, dự kiến diện tích gieo trồng là 232.000ha. Diện tích lúa là 160.000ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 60%; phát triển sản xuất rau đậu các loại khoảng 33.000ha, tập trung vào rau an toàn, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích trồng hoa, cây cảnh khoảng 7.200ha với các giống cao cấp cung ứng cho thị trường Thủ đô và xuất khẩu. Diện tích cây ăn quả là 22.350ha, tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi các loại, cam Canh, nhãn chín muộn…
Chăn nuôi cũng được định hướng phát triển theo hướng bền vững với việc tiếp tục hình thành những vùng chăn nuôi tập trung; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, chăn nuôi bò khoảng 145 nghìn con; phát triển đàn lợn khoảng 1,8 triệu con và tổng đàn gia cầm giữ ổn định 38-40 triệu con. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 24.000ha với các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng theo hướng VietGAP, GlobalGAP...
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm để phát huy giá trị từ nông sản đặc sản, giá trị cao.
Ngành Nông nghiệp sẽ nỗ lực bảo đảm mục tiêu đề ra, tuy nhiên căn cứ từng thời điểm cụ thể về thời tiết, thị trường..., Hà Nội sẽ có những điều chỉnh linh động, phù hợp.
- Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh... Vậy theo đồng chí, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần có những giải pháp cụ thể nào để giảm thiểu tác động (nếu có), bảo đảm sự phát triển bền vững?
- Chúng ta có thể thấy rõ là thời tiết, khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường. Nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ bùng phát nếu không được kiểm soát và phòng ngừa. Đáng chú ý, diện tích đất nông nghiệp của thành phố ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và điều này tác động không nhỏ đến việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế…
Giải pháp của Hà Nội là thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, từ đó tăng năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến. Đặc biệt, công nghệ tự động, cảm biến, sinh học… sẽ được chú trọng ứng dụng vào quy trình sản xuất, nhất là trong lai tạo những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực, nhất là với sản xuất rau, cây ăn quả; khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi các sông: Hồng, Đà, Đáy, Đuống để tập trung phát triển cây trồng; sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trang trại gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, ngành sẽ chú trọng phát triển các giống cây trồng chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu; từng bước giảm dần diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản an toàn, đạt chất lượng, giá trị cao.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!