Vững bước trên chặng đường mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 28/12/2020

(HNM) - Sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Trong kết quả chung này, không thể không kể đến đóng góp của thành phố Hà Nội khi giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo của thành phố có nhiều dấu ấn quan trọng.

Chú trọng giảm nghèo bền vững, những năm qua, hàng loạt giải pháp thiết thực đã được Hà Nội triển khai như: Mở lớp đào tạo nghề; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất; xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo... Ngoài ra, thành phố còn áp dụng tiêu chí chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước; ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống nên việc giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả.

Đặc biệt, để giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, năm 2020, thành phố cũng đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo, đối tượng chính sách vay giải quyết việc làm... Với những giải pháp căn cơ có tính chiều sâu, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 3,64% năm 2016 xuống cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, hoàn thành trước hai năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020. Đến nay, Thủ đô không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.

Tuy nhiên, để có được kết quả bền vững nhất, giai đoạn 2020-2025, thành phố phấn đấu không còn hộ nghèo, tái nghèo. Đây là thách thức không nhỏ, vì thế phải thực hiện đồng bộ giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù, những nguồn lực mà thành phố đang hỗ trợ để làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo. Những nguồn lực cho công tác này phải được phân bổ đúng đối tượng, minh bạch, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích...

Bên cạnh sự hỗ trợ từ trung ương, thành phố, mỗi địa phương phải vận dụng linh hoạt giải pháp dựa theo đặc thù riêng, như tập trung cho người dân vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ phương tiện sản xuất, đào tạo nghề... Và điều quan trọng là mỗi hộ nghèo, cận nghèo phải chủ động sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ để vươn lên.

Về lâu dài, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng, miền còn nhiều khó khăn nhằm tăng cường kết nối giao thương; gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo... Mấu chốt nhất của giảm nghèo bền vững là phải tạo thêm được nhiều việc làm mới, giúp người dân nâng cao thu nhập. Điều này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải làm tốt việc định hướng phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, xã hội sẽ phát triển theo những nấc thang mới, đòi hỏi việc tạo sinh kế, chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế cũng phải thay đổi phù hợp. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm nguồn lực để “tiếp sức” cho người nghèo có điểm tựa vươn lên; huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của toàn xã hội vào công tác này. 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 diễn ra đầu tháng 12 này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, giảm nghèo là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Vì mục tiêu nhân văn này, kết quả giảm nghèo hôm nay sẽ tạo đà cho Hà Nội vững bước trên chặng đường mới. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, Hà Nội quyết tâm “để không ai bị bỏ lại phía sau”!

Thiện Mỹ