Đề xuất các giải pháp phát triển cho năm 2021
Chính trị - Ngày đăng : 15:51, 28/12/2020
Theo chương trình làm việc, hội nghị sẽ nghe các địa phương phát biểu tham luận, đại diện các tập đoàn, tổng công ty phát biểu ý kiến. Bộ trưởng các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phát biểu tại hội nghị.
Theo đại diện tỉnh Ninh Thuận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, năm 2021, tỉnh Ninh Thuận thực hiện phương châm hành động là "Đoàn kết - Sáng tạo - Kỷ cương - Phát triển - Tăng tốc - Hiệu quả”. Theo đó, trước mắt, sẽ tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thay thế quy mô công suất dự án điện hạt nhân 4.600MW bằng nguồn điện khí tại Trung tâm Điện lực Cà Ná; giao Bộ Công Thương cập nhật, bổ sung vào Đề án Quy hoạch điện VIII nhằm phát triển Trung tâm Điện lực Cà Ná với quy mô công suất bảo đảm khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng đã có tại khu vực này, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Với tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Cao Bằng và nhiều địa phương khác, lãnh đạo các tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế nhằm tạo tiền đề đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 ở mức cao.
Số văn bản nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay
Phát biểu về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đã thực hiện 103 buổi làm việc để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biện pháp tháo gỡ.
“Nếu thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) - khi Tổ công tác chưa thành lập, nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8% so với năm 2016”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đặc biệt, các nhiệm vụ giao tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng tiến độ. Trong năm 2020, có 473/479 nhiệm vụ giao đã hoàn thành. Các đề án trình Trung ương bảo đảm đúng tiến độ, không chậm nợ.
Về công tác hoàn thiện thể chế, từ 49 văn bản quy định chi tiết luật có hiệu lực từ 1-1-2021 theo phân công, đến nay, các bộ đã có phương án tích hợp còn 28 văn bản, giảm 21 văn bản so với phân công. Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực tích hợp từ 14 nghị định còn 4 nghị định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích hợp từ 12 nghị định còn 5. Tương tự, số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm hiện nay chỉ còn nợ 6 văn bản, giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng cuối nhiệm kỳ Chính phủ các khóa trước đây.
Về nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tập trung nhân lực hoàn thiện thể chế, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay từ khâu dự thảo; nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra, góp ý trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp ngăn chặn việc phát sinh quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp; bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và giảm tối đa số lượng văn bản quy định.
“Về phía Tổ công tác, trong năm 2021, sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra chuyên đề các bộ, ngành, địa phương về công tác hoàn thiện thể chế và việc ban hành văn bản theo thẩm quyền nhằm khắc phục và xử lý triệt để tình trạng ban hành các văn bản trái thẩm quyền...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn”
Thống nhất cao với giải pháp của Chính phủ, đại diện lãnh đạo các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Cao Bằng… thể hiện quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế.
Ý kiến tại các điểm cầu cũng cho thấy, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một số vấn đề Chính phủ cần nghiên cứu và có giải pháp kịp thời tháo gỡ như “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Tương tự, các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông lớn, có sức lan tỏa, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên...
Để giúp Hải Phòng hoàn thành nhiệm vụ, phát huy mạnh mẽ vai trò là cực tăng trưởng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Chính phủ quan tâm hướng dẫn thành phố nghiên cứu triển khai lập quy hoạch thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng; xem xét, sớm phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu, tạo điều kiện thuận lợi phát triển không gian đô thị theo hướng Bắc sông Cấm, chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm dọc theo hai bờ sông Cấm..
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tập trung tháo 3 điểm nghẽn lớn của tỉnh về kết cấu hạ tầng như: Biên mậu, du lịch; hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, cơ chế cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong tỉnh. Tỉnh Cao Bằng cũng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Khai thác, phát triển mạnh lợi thế du lịch - dịch vụ theo hướng bền vững, cơ bản bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc là giá trị cốt lõi; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế bền vững từ nông nghiệp cho nông dân và phục vụ xuất khẩu...
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các địa phương, kết thúc ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành nghiên cứu, giải đáp ngay một số vấn đề thuộc thẩm quyền.
Hội nghị sẽ tiếp tục vào sáng 29-12.