Nâng cao chất lượng phục vụ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 29/12/2020
Đây được xem là nền tảng quan trọng, vững chắc hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Quá trình này càng được đẩy nhanh khi dịch Covid-19 tạo “cú hích”, buộc mọi người phải làm việc, giao dịch trực tuyến nhiều hơn.
Kết quả nổi bật là Chính phủ đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet; Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Từ đó, chuyển đổi căn bản phương thức làm việc từ sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; tiết kiệm đáng kể chi phí hành chính của cả Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Quan trọng hơn là đã thay đổi phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch.
Tuy vậy, để đạt mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đề ra tại “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, rõ ràng, còn nhiều việc cần thực hiện với lộ trình, giải pháp phù hợp. Một trong những nhiệm vụ căn bản, xuyên suốt là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành chức năng. Trong đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng; các quy định về xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân; chia sẻ dữ liệu; ưu tiên chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân, như: Giao thông, giáo dục, y tế, việc làm...
Cùng với đó, từng bước nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nói cách khác, tạo dựng cho được kiến trúc Chính phủ điện tử để thực hiện tốt vai trò định hướng và đồng bộ hóa các ứng dụng công nghệ, hệ thống thông tin. Để làm được việc này, một trong những cấu phần quan trọng cần tiếp tục hoàn thiện là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung… Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, có niềm tin và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn.
Quá trình xây dựng Chính phủ điện tử cũng cần huy động, tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Theo đó, các doanh nghiệp cần phát huy các sáng kiến, giải pháp, ứng dụng hiệu quả, thông minh để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử; quan tâm giải quyết các vấn đề cấp thiết được các bộ, ngành, địa phương và người dân quan tâm; tăng cường tiếp cận, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, từ đó cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ về Chính phủ điện tử trên thế giới…
Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, để đạt mục tiêu cuối cùng và cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.