Rối loạn tâm thần tuổi học đường: Nhận biết sớm để can thiệp kịp thời
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:22, 29/12/2020
Trầm cảm, lo âu, căng thẳng thần kinh…
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận một nữ học sinh lớp 6 tại Hà Nội bị lo âu, trầm cảm. Nguyên nhân là, sau khi được bố mẹ chuyển đến học tại trường mới, nhưng bản thân không thích, nên bé gái này không muốn đến trường, kết quả học tập sa sút.
Thống kê của Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) cho thấy, trung bình mỗi năm khoa khám cho hơn 20.000 lượt trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Riêng năm 2020, có hơn 25.000 lượt trẻ đến khám với 3 mảng vấn đề lớn, đó là chậm phát triển trí tuệ, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ (tự kỷ từ nhẹ đến nặng). Khoa cũng phát hiện nhiều trẻ rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi, khó thích ứng với cuộc sống…
Theo kết quả khảo sát 834 học sinh tại thành phố Hà Nội và 726 học sinh tại tỉnh Hưng Yên được Bệnh viện Nhi trung ương tiến hành vào năm 2019, tỷ lệ trầm cảm ở học sinh tại Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress (căng thẳng thần kinh) tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%. Ngoài ra, có tới 18,2% trẻ tại Hà Nội mắc cả 3 rối loạn trên, con số này ghi nhận ở Hưng Yên là 20,8%. Từ khảo sát này, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ trẻ lo âu, trầm cảm, sang chấn ở nữ thường cao hơn nam. Những rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ chuẩn bị chuyển cấp cũng cao hơn…
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến khám, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm. Trong đó, 15-17% trẻ được người nhà đưa đến khám do trước đó có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, dễ cáu giận, buồn bã, hay khóc lóc, thu mình, không tiếp xúc…
Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần nhi và trẻ vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, theo các đánh giá hằng năm, tỷ lệ trẻ đến khám vì các vấn đề liên quan đến trường học nhiều hơn so với trước đây. Có nhiều trẻ đến khám từng là học sinh giỏi, sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh, nhưng do không vượt qua được áp lực học hành, thi cử, kết quả học tập sa sút, quay ra phản kháng mọi yêu cầu của bố, mẹ…
Tuyệt đối không tạo áp lực cho trẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 20% trẻ em và vị thành niên bị rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở vị thành niên, trong đó, rối loạn tăng động, giảm chú ý chiếm 14%; rối loạn cảm xúc chiếm 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm 9%.
Theo bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, nhiều phụ huynh và giáo viên quan niệm chưa đúng về sức khỏe tâm thần cũng như điều trị tâm thần ở trẻ. Thậm chí, nhiều trường học không muốn công bố học sinh mắc bệnh vì sợ ảnh hưởng đến uy tín. Còn phụ huynh cũng không muốn thừa nhận con mình mắc bệnh do lo ngại sự kỳ thị. Do đó, gia đình và nhà trường cần kết hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, tuyệt đối không tạo áp lực cho trẻ.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc, để dự phòng hiệu quả các rối loạn tâm thần ở tuổi học đường, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để các phụ huynh, giáo viên có nhận thức đúng về các rối loạn tâm thần ở trẻ, cách nhận biết, phát hiện sớm. Mặt khác, tại nhà trường cần triển khai các chương trình, mô hình bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng, tăng cường kỹ năng sống cho trẻ…
Để phát hiện và điều trị các rối loạn tâm thần học đường, bác sĩ Đỗ Minh Loan cho rằng, việc phát hiện sớm trẻ rối loạn sức khỏe tâm thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc điều trị. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ như buồn bã, lo lắng, mất ngủ, hay cáu gắt, học hành sa sút, không tập trung, hạn chế tiếp xúc..., phụ huynh, giáo viên cần có cách cư xử phù hợp, tránh khiến trẻ thêm tổn thương, thậm chí hành động bồng bột, dẫn đến những hậu quả đau lòng.