Việt Nam - Bình minh đang lên
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:59, 29/12/2020
Thành công nhờ... làm khác
Khi đại dịch Covid-19 phủ sóng toàn thế giới, báo chí quốc tế nhận định Việt Nam đã có những biện pháp đối phó với dịch bệnh hoàn toàn khác so với nhiều quốc gia.
Đánh giá về công tác chống dịch Covid-19, tờ The Diplomat nhận xét, Việt Nam luôn duy trì minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh. Báo Deutsche Welle (Đức) đã phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến cam go chống đại dịch, đó là áp dụng cách ly, kiểm dịch nghiêm ngặt. Không giống các nước, Việt Nam không chỉ theo dõi các trường hợp F1, mà chú ý cả các đối tượng thuộc diện F2, F3 và F4 của các ca nhiễm.
Vào thời điểm trên đà phục hồi sau đợt giãn cách xã hội vào tháng 4-2020, Bloomberg Asia đã trích lời lãnh đạo Maybank rằng, Việt Nam sẽ có lợi thế trong việc phục hồi thị trường lao động nhờ thích nghi nhanh với các xu hướng mới. Tạp chí Forbes cũng cho rằng, Covid-19 có thể gây nhiễu loạn thế giới, nhưng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, ổn định nền kinh tế, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, tờ The Strategist đánh giá cao việc Việt Nam thể hiện năng lực đi đầu đáng nể trong sáng chế và xuất khẩu những bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, giá phải chăng; cho lắp đặt các buồng khử trùng toàn thân để ngăn ngừa lây nhiễm tại các phòng khám và những nơi tập trung đông người.
Tờ Nikkei Asia có bài phân tích về niềm tin của người dân Việt Nam đối với Chính phủ trong công cuộc chống dịch. Tờ The Conversation lại chú ý đến các hoạt động từ thiện tại Việt Nam như sáng kiến cây “ATM gạo” và nhiều hoạt động tương thân tương ái khác.
Trong tháng 8, sau đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19, báo chí Nga dẫn đánh giá của bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó gọi Việt Nam là tấm gương điển hình. WHO nhận định: “Việt Nam hành động mau lẹ và toàn diện, họ có hệ thống đủ khả năng kiểm soát đợt bùng phát mới này. Đây là điều chúng ta cần được thấy ở tất cả các quốc gia”.
Phép màu châu Á
Giữa tháng 9-2020, Việt Nam bắt đầu được truyền thông quốc tế biết đến là "phép màu châu Á" khi hàng loạt tờ báo liên tiếp đưa tin về những thành tựu Việt Nam đạt được; đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế với hình ảnh là một "bình minh đang lên" (báo Nga), "ngôi sao sáng" (Asia Times), "phép màu châu Á" (New York Times), "con hổ châu Á" (Nikkei Asia) hay "mảnh đất tiềm năng" (Forbes).
New York Times lý giải, trong giai đoạn bùng nổ ở quá khứ, hầu hết các quốc gia được coi là "phép màu châu Á" đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hằng năm đạt gần 20% - gấp đôi mức trung bình của nhiều quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó. Trong 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự. Ngay cả trong năm 2010, khi thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16%/năm. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới tính đến hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, trung bình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ cao nhất so với các quốc gia mới nổi khác. Hầu hết vốn đầu tư nhằm xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng liên quan, đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Mới đây nhất, Forbes một lần nữa nhắc đến Việt Nam là một "mảnh đất đầy tiềm năng" cho các doanh nghiệp muốn khai thác thị trường thương mại điện tử. Cụ thể, tỷ lệ truy cập internet của Việt Nam đạt 65%, là tiền đề cho sự phát triển thương mại điện tử. Theo số liệu nghiên cứu của Redseer, đến năm 2026, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của ngành thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD.
Nhờ làn sóng đầu tư vào Việt Nam của hàng loạt tập đoàn công nghệ khổng lồ, Việt Nam cũng được tờ báo Nhật Nikkei Asia đánh giá là "con hổ châu Á".
Một số lượng lớn các bài viết trên báo chí nước ngoài trong năm qua cũng tập trung vào việc Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm đầy khó khăn này và đang có mọi tiền đề để đạt nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm tới. Asia Times cho rằng, việc hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại quy mô lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tích cực gia tăng xuất khẩu nói chung và sang Mỹ nói riêng là các yếu tố cốt lõi làm nên thành công của nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, nhật báo Business Times của Singapore và hãng tin Reuters của Anh nhận định, những biện pháp cách ly và truy vết nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam nhanh chóng khống chế các đợt bùng phát dịch Covid-19, đưa hoạt động kinh tế phục hồi trở lại nhanh hơn so với nhiều nước châu Á khác.
Về phần mình, trang tin tức Dailymail.co.uk của Anh nhận định, từ lâu nay, Việt Nam đã nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019, song nhiều hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do dịch Covid-19.
Uy tín quốc tế được nâng lên
Ngoài thành tựu trong cuộc chiến chống Covid-19 và kinh tế, những thành công của ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế cũng được truyền thông thế giới quan tâm. Đã có nhiều bài viết về hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, về quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ...
Tờ The Economic Times của Ấn Độ đánh giá cao các thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Theo đó, Việt Nam đã củng cố lập trường của ASEAN về các vấn đề khu vực, bao gồm những nỗ lực trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, qua đó, giúp ASEAN nổi lên như một khu vực có vai trò cân bằng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Các cuộc họp trực tuyến hiệu quả và việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong điều kiện đại dịch là những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN.
Trong khi đó, tờ The Times of India ghi nhận, trong năm 2020, uy tín của Việt Nam được nâng cao cả trong khu vực và trên trường quốc tế, phản ánh qua các chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Trong năm 2020, Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ mang tính xây dựng trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời có những bước đi quyết định chống đại dịch. Tờ báo nhấn mạnh, để duy trì sự cân bằng chiến lược dựa trên nguyên tắc trật tự thế giới đa cực và pháp quyền, điều kiện tiên quyết là Việt Nam giữ vững vị thế trung tâm và đạt được những thành công ấn tượng về kinh tế.
Tựu chung lại, hãng Sputnik nhận định, Việt Nam là hình mẫu “anh hùng” đích thực của năm 2020, năm đã gây cú sốc chấn động với nền kinh tế toàn cầu và đời sống cộng đồng. Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua đã cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và sự sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước, nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế và nâng cao uy tín của Việt Nam. Sputnik hy vọng trong năm tới, Việt Nam sẽ đạt nhiều thành tựu mới, ngày càng thịnh vượng và thực hiện trọn vẹn những kế hoạch đầy kỳ vọng vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới.