Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bạc Liêu thực hiện phát triển xanh, phát triển nhanh, bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 17:43, 04/12/2022

Trong chương trình công tác tại Bạc Liêu, chiều 4-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thủ tướng cho biết, chuyến công tác lần này nhằm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, làm việc với tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bạc Liêu thực hiện phát triển xanh, phát triển nhanh, bền vững

Báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn, song tỉnh đã nỗ lực, cố gắng và dự kiến có 15/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. GRDP ước cả năm tăng 9,6%, cao hơn ước chung cả nước là 8%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, vượt 25,7% dự toán, tăng 10,7% so với năm 2021. Nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; sản lượng thủy sản 11 tháng tăng 12,2% so với cùng kỳ, cả năm ước tăng 14,6%. Hiện tỉnh đã có 15/64 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước cả năm tăng 17,12% - mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Hiện, tỉnh có 8 dự án điện gió hoạt động hiệu quả với tổng công suất là 469,2MW (thứ 3 cả nước), tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kwh/năm.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định...

Tỉnh Bạc Liêu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét một số nội dung về phát triển năng lượng; đầu tư cao tốc nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tới tuyến đê biển Bạc Liêu; đầu tư tuyến đường ven biển Bạc Liêu; nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số vấn đề liên quan quản lý đất đai, khoáng sản; hỗ trợ người dân mua bảo hiểm xã hội...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Bạc Liêu phát triển xanh hơn, nhanh hơn, bền vững hơn; đồng thời, phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của địa phương...

Lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, Bạc Liêu có những tiềm năng, thế mạnh riêng, khác biệt, do đó, cần phát huy lợi thế này để đầu tư, thu hút đầu tư phát triển gồm phát triển công nghiệp năng lượng, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh; đặc biệt, cần vận động, khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu tại chỗ của người dân; giữ gìn bản sắc văn hóa, du lịch vùng Nam Bộ...

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Bạc Liêu nằm ở vị trí trung chuyển trên tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng của cả nước; điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần; thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là thủy, hải sản, với mô hình lúa - tôm. Đặc biệt, con người Bạc Liêu giản dị, phóng khoáng, mến khách. Bạc Liêu có truyền thống văn hóa đặc sắc, là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ.

“Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội xanh, nhanh và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và thương mại, dịch vụ, du lịch”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng đồng tình, đánh giá cao, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế mà Bạc Liêu cần khắc phục như: Lạm phát trên địa bàn cao hơn mức cả nước. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đến ngày 30-11-2022 chỉ đạt khoảng 58,1%; thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư còn hạn chế, nhất là vốn FDI. Hạ tầng y tế, giáo dục còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 55/63. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Nhất trí với ý kiến của các bộ, ngành tại buổi làm việc; phân tích tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở thêm một số nhiệm vụ, giải pháp mà Bạc Liêu cần thực hiện để phát triển xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong đó, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ: về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với trọng tâm là ba đột phá chiến lược về: Hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực.

Tỉnh Bạc Liêu phải phát huy tối đa nội lực “đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”; đẩy mạnh phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, trong đó nghiên cứu các trường dạy nghề phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tỉnh coi trọng và đẩy mạnh công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế; trong quy hoạch phải dành đất thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, của cải vật chất.

Tỉnh cần coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; phát huy thế mạnh của tỉnh để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ.

Trong nông nghiệp, tỉnh cần chú trọng lúa và tôm, chú ý nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi bền vững; kiên quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nghiên cứu xây dựng trung tâm chế biến thức ăn gia súc và thủy sản cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với công nghiệp, tỉnh cần tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo theo hướng đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; đẩy mạnh công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông sản chủ lực. Trong phát triển du lịch, tỉnh phải nâng cao chất lượng, tính đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, gắn với truyền thống văn hóa lịch sử đặc sắc.

Trước mắt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tỉnh Bạc Liêu khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, tăng cường tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, không để xảy ra dịch chồng dịch. Tỉnh chuẩn bị đủ nguồn cung, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, bảo đảm cung ứng xăng dầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh có giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội, trong đó có hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công; tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các mục tiêu tỉnh Bạc Liêu đề ra, thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm về sự phát triển của địa phương.

Xem xét nới hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại

Nhân dịp này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thành lập các Tổ công tác của Chính phủ để xử lý các vấn đề mới nổi liên quan thị trường tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Nếu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có vấn đề liên quan cần phối hợp với các tổ công tác của Chính phủ để xử lý.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng thực hiện rà soát các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp; chọn đơn vị hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả để xem xét nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả nhằm vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Trong đó, hướng cho vay vào các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Bạc Liêu tập trung bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm người nghèo, người yếu thế, làm tốt chính sách với người có công, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có Tết; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Đặc biệt, tỉnh phải tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đề nghị, tỉnh Bạc Liêu triển khai nghiêm túc, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; ba Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị cho công tác này, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương khác… tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể từng đồng chí chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể để có biện pháp xử lý ngay các vướng mắc; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Về các đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý xem xét và cơ bản đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành. Cùng với cho ý kiến đối với từng kiến nghị cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bạc Liêu để giải quyết, trên cơ sở bảo đảm đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, trên tinh thần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để khơi thông cho sự phát triển, không vướng mắc nào là không thể xử lý.

Trong đó, xác định rõ, cụ thể vấn đề gì, ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để xử lý. Những vấn đề thuộc thầm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó xử lý; những vấn đề thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương thì phải phối hợp xử lý; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền để xử lý.

Theo TTXVN