Giúp công nhân giảm "gánh nặng" thiếu chỗ gửi trẻ
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 31/12/2020
Thiếu chỗ học cho trẻ
Tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) hiện có 34.000 công nhân làm việc và có 3.058 con em công nhân ở lứa tuổi đi trẻ. Tuy nhiên, 3 xã ở gần khu công nghiệp là: Kim Chung, Võng La, Đại Mạch lại chỉ có 4 trường công lập, 5 trường tư thục, 25 nhóm trẻ. Số trường học công lập mới chỉ đáp ứng được chỗ học cho 1.590 em, còn 1.468 trẻ phải học ở trường tư thục, nhóm trẻ, hoặc buộc bố mẹ phải gửi người thân chăm nom...
Nói về thực tế thiếu trường học cho trẻ, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối (huyện Đông Anh) Trịnh Minh Huân cho biết, xã Hải Bối là nơi thuê trọ của hơn 5.000 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Trong khi đó, cả xã chỉ có 1 trường mầm non công lập, 4 điểm trường, mới đáp ứng được cho 820 trẻ. Chị Trần Thu Hiền, thuê trọ tại thôn Cổ Điển (xã Hải Bối) chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập của công nhân giảm sút; trong khi đó, chi phí gửi trẻ trường tư cao nên chị đành gửi con về quê nhờ ông, bà chăm sóc.
Tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (thuộc địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai) có gần 3.000 công nhân lao động, nhưng mỗi xã, thị trấn ở gần khu công nghiệp chỉ có một trường mầm non công lập. Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết, dù là người địa phương nhưng do các lớp ở trường công quá đông nên chị vẫn phải gửi con ở trường tư.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp - chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Do công nhân đông (160.000 lao động) mà tại mỗi xã gần khu công nghiệp chỉ có 1-2 trường mầm non công lập, trong khi rất hiếm trường học dành riêng cho con công nhân của khu công nghiệp, nên không thể đáp ứng được nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ.
Cần nhiều nguồn lực hỗ trợ
Đồng cảm với nỗi vất vả gửi con của công nhân, nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm riêng hỗ trợ người lao động. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Phan Thanh Hải cho biết, công ty có chính sách hỗ trợ con em công nhân, mỗi trẻ 60.000 đồng/tháng. Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp lại áp dụng mô hình tổ chức nhà trẻ riêng, thuê giáo viên về dạy học, trông trẻ theo giờ làm việc của công nhân - cách làm này rất đáng nhân rộng.
Giải quyết nhu cầu gửi trẻ nhỏ của công nhân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Anh Dương Thị Sáu cho biết, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện sẽ tiếp tục xây dựng 2 trường mầm non công lập. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cũng cho biết, UBND huyện khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở trường ngoài công lập.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tiếp tục đề xuất, kiến nghị thành phố có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng trường mầm non, nhóm trẻ tư thục. Công đoàn thành phố cũng đã chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động thương lượng với doanh nghiệp về vấn đề này với công nhân.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cũng thông tin, tại kỳ họp thứ mười tám (ngày 8-12-2020), HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua nghị quyết về một số nội dung, trong đó đề xuất mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức tối thiểu quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non. Cụ thể, mức hỗ trợ sẽ là 240.000 đồng/trẻ/tháng đối với trẻ đang học tại các trường dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Những khó khăn của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố về chỗ gửi trẻ đòi hỏi nhiều nguồn lực cũng như phải có thời gian mới giải quyết được. Song, trước mắt, các cấp, ngành, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như mỗi doanh nghiệp sử dụng lao động cần tạo điều kiện, hỗ trợ để công nhân có thêm điều kiện gửi con, từ đó yên tâm lao động, sản xuất.