Đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động

Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 31/12/2020

(HNM) - Mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là tạo điều kiện sớm đưa người mất việc làm trở lại thị trường lao động, có công việc, thu nhập bền vững. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (số 144 Trần Phú, quận Hà Đông). Ảnh: Minh Ngọc

“Phao cứu sinh“ của người lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc làm của hơn 30 triệu lao động Việt Nam, trong đó có hơn 1 triệu người làm việc trong khu vực kinh tế chính thức bị mất việc. Tác động này còn được minh chứng rõ hơn qua những con số “biết nói”. “Năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1,006 triệu người, tăng hơn 170.000 người so với năm 2019. Đến nay, 100% số người thuộc diện thụ hưởng đã nhận tiền trợ cấp hoặc được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Số tiền Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả là hơn 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.982 tỷ đồng (tăng 32,7%) so với năm trước”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn thông tin. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm, dù lựa chọn hưởng trợ cấp theo hình thức nhận tiền hay học nghề, thì họ cũng có “phao cứu sinh” để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngày 28-12, đến Sàn giao dịch việc làm Hà Nội tại số 144 Trần Phú (quận Hà Đông) xác nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề pha chế đồ uống, chị Đinh Phương Lan, trú tại phường Phúc La (quận Hà Đông), phấn khởi cho biết: “Nhờ kiến thức, kỹ năng được trang bị, tôi đã tự tạo việc làm cho bản thân, cuộc sống ổn định trở lại”. Còn anh Nguyễn Cảnh Khang, xã Kim Chung (huyện Đông Anh), đã dùng số tiền trợ cấp thất nghiệp góp vốn với một số người bạn để mở cửa hàng in ấn tài liệu. Công việc mới mang lại cho anh Khang nguồn thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài những trường hợp nêu trên, năm 2020, ước tính trên địa bàn Hà Nội, cũng như cả nước, có khoảng 60-70% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đã trở lại thị trường lao động bằng nhiều công việc khác nhau. Kết quả này góp phần quan trọng để các đơn vị, địa phương cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho gần 1,5 triệu lao động trong năm 2020.

Cần quan tâm đào tạo chuyển đổi nghề

Trong bối cảnh thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm có việc làm, thu nhập là rất đáng quý. Từ kinh nghiệm giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp và tư vấn, kết nối cung - cầu về lao động, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Tạ Văn Thảo đánh giá, người lao động lựa chọn học nghề sẽ có cơ hội việc làm rộng mở bởi những công việc mới hình thành thường đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Tiếc rằng, số lao động lựa chọn học nghề còn rất ít. Năm 2020, Hà Nội giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 85.000 người, trong đó chỉ hơn 3.000 người lựa chọn học nghề.

Theo bà Trần Thị Thu Hằng, cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Minh Tiến (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), công ty luôn ưu tiên tuyển dụng nhóm lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp với suy nghĩ đó là những người đã có kinh nghiệm làm việc. Song, đa số lao động đến ứng tuyển không đáp ứng được yêu cầu công việc. Còn theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh, nguyên nhân khiến lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ít lựa chọn học nghề là vì phần lớn họ có cuộc sống khó khăn, muốn nhận tiền trợ cấp hằng tháng để trang trải cho cuộc sống hơn là lựa chọn hình thức hỗ trợ học nghề. Hơn nữa, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian tối đa là 6 tháng) và các nghề được đào tạo chưa phong phú, thiếu hấp dẫn…

Tương tự Hà Nội, trên phạm vi cả nước, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp lựa chọn học nghề cũng không nhiều. Năm 2020, cả nước chỉ có hơn 10.000 người lựa chọn học nghề trên tổng số hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, Cục đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động. Ngoài ra, Cục Việc làm đã đưa Cổng thông tin dịch vụ việc làm vào hoạt động chính thức từ ngày 29-12-2020, tạo kênh thông tin đa chiều, đa lĩnh vực về thị trường lao động, giúp lực lượng lao động nói chung, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng có thêm cơ hội lựa chọn học nghề, tìm việc làm phù hợp.

Hà Hiền