Năm 2020, thu ngân sách nhà nước đạt 98% dự toán

Tài chính - Ngày đăng : 12:52, 31/12/2020

(HNMO) - Ước cả năm 2020, thu ngân sách nhà nước khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% so với dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; 55/63 địa phương thu nội địa đạt và vượt dự toán được giao.

  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 31-12-2020 tại 66 điểm cầu. Điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì. Đại diện lãnh đạo Hà Nội dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

Thu NSNN đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng

Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng cho biết, ước thực hiện cả năm 2020, thu NSNN đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5% GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9% GDP. 55/63 địa phương thu nội địa đạt và vượt dự toán được giao, 8 địa phương không đạt dự toán.

Đây là những con số hết sức tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so mục tiêu 6,8% và Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Về chi ngân sách, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, song nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý chi NSNN, ngành Tài chính vẫn bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Tính đến hết ngày 30-12-2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ gần 13 triệu người dân; đồng thời, đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Một điểm sáng trong điều hành là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so năm trước, lũy kế hết tháng 12 đã đạt gần 83% kế hoạch năm.

Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2% GDP và 55,9% GDP.

Hà Nội đề ra 5 nhóm giải pháp

Tại hội nghị, nhiều địa phương báo cáo hoàn thành vượt dự toán thu nội địa. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, đối với nhiệm vụ tài chính - ngân sách, thành phố sớm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; gia hạn thuế và tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình (đã tiếp nhận, xử lý 39.000 giấy đề nghị gia hạn và giải quyết đúng đối tượng, đúng quy định, giảm, gia hạn gần 18.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh).

Thành phố cũng lập 6 tổ công tác đôn đốc thu ngân sách; chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường chống thất thu - chuyển giá - gian lận thuế để khai thác tăng thu…

Tính đến ngày 30-12-2020, thu NSNN trên địa bàn đạt 280.411 tỷ đồng, đạt 100,9% dự toán. Dự kiến cả năm 2020 đạt 283.402 tỷ đồng, đạt 101,6% dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 101,6% dự toán.

Năm 2021, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Hà Nội đã đề ra 5 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Thứ hai, điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đúng quy định, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững cân đối ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu NSNN được giao; tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Thứ ba, tăng cường quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước và các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kết quả đạt được trong năm 2020 là rất tích cực và toàn diện trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh. Kết quả trên khẳng định sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành Tài chính tự tin bước vào năm 2021, năm đầu của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới.

Hương Thủy