Giáo dục Thủ đô giữ vững vị thế ''đầu tàu''

Giáo dục - Ngày đăng : 06:20, 01/01/2021

(HNM) - Năm học 2019-2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành Giáo dục Thủ đô vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng giáo dục, duy trì vững chắc vị thế “đầu tàu” của cả nước. Kết quả này là nền tảng để Hà Nội tự tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020-2021, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba khâu đột phá được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Dẫn đầu về quy mô, chất lượng

Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục có bước phát triển và dẫn đầu cả nước về cả quy mô và chất lượng. Toàn thành phố có gần 2.800 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh, tăng gần 68.000 học sinh so với năm học 2018-2019. Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2020 là tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đã đạt 75%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố đề ra là có 65-70% số trường đạt chuẩn.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần "tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học", thầy và trò ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy, học, hoàn thành "mục tiêu kép": Bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì vững chắc chất lượng. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc tổ chức dạy học qua internet và qua truyền hình. Các chương trình dạy học qua truyền hình của Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, được sở giáo dục và đào tạo của 12 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp sóng, góp phần cùng các trường học trên cả nước duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà.

Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn được giữ vững, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 144 giải quốc gia; 338 giải và huy chương quốc tế. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hà Nội là địa phương có số điểm 9, điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10, hơn 28.000 điểm 9.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc biên soạn, giảng dạy đại trà tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ: “Con tôi được theo học ở trường đạt chuẩn quốc gia, nên các điều kiện học tập rất tốt. Đặc biệt, thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống ở trường, con tôi đã tự tin hơn”.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho rằng, ngành Giáo dục Hà Nội vẫn còn một số bất cập, khó khăn, trong đó có hiện tượng quá tải cục bộ ở một số trường, sĩ số học sinh/lớp ở một số trường vẫn cao hơn quy định của Điều lệ trường học; công tác giáo dục đạo đức học sinh chưa đáp ứng yêu cầu...

Khắc phục hạn chế, quyết tâm đổi mới

Tiên phong đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; khắc phục những hạn chế, khó khăn để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục là quyết tâm của các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.

Ưu tiên kinh phí để mở rộng, xây dựng bổ sung trường, phòng học mới là giải pháp quận Hà Đông thực hiện trong năm học 2020-2021 và giai đoạn 2021-2025. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô học sinh hằng năm tăng mạnh, phòng tiếp tục tham mưu với UBND quận ưu tiên kinh phí, dành quỹ đất cho việc mở rộng, xây dựng trường học, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học cục bộ.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, huyện tập trung đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên bảo đảm thực chất, nhất là những giáo viên đã và sẽ dạy chương trình, sách giáo khoa mới. Các chuyên đề bồi dưỡng về đạo đức, kỹ năng ứng xử cho nhà giáo tiếp tục được coi trọng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, kết quả năm học 2019-2020 đã tạo động lực, niềm tin cho thầy, trò ngành Giáo dục Hà Nội thêm nỗ lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020-2021. Theo đó, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, tăng cường nguồn lực để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia... Thầy, trò toàn ngành quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ từ mỗi cá nhân, nhà trường, góp phần đưa giáo dục Thủ đô tiếp tục giữ vững vị thế “đầu tàu” trong những năm tới.

Thống Nhất