Giữ thế mạnh và chất lượng tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 01/01/2021

(HNM) - Năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là năm thành công của Hà Nội nhờ tốc độ tăng trưởng cao và đặc biệt thành phố vẫn duy trì được thế mạnh cũng như chất lượng tăng trưởng để vững bước vào năm mới 2021.

Sản xuất thiết bị điện tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (Khu công nghiệp Dương Xá, huyện Gia Lâm). Ảnh: Nhật Nam

“Sức khỏe kinh tế” phục hồi nhanh, vững chắc 

Tính chung, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội đã tăng 3,98%, cao gấp hơn 1,3 lần cả nước. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng đều cải thiện tăng tiến qua từng quý, cho thấy “sức khỏe” kinh tế của Hà Nội mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng phục hồi khá nhanh và vững chắc.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, năm 2020 kinh tế Hà Nội tiếp tục sự chuyển dịch cơ cấu từ các năm trước. Tuy vậy, hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giảm sút mạnh. Nhưng bù vào đó là sản xuất nông nghiệp lại “được mùa” với giá trị sản xuất cao hơn hẳn các năm trước. Nổi bật là số lượng gia cầm tăng 9,3% đã kịp thời bổ sung đáng kể lượng thực phẩm trong bối cảnh thị trường bị tác động tiêu cực từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi cũng như góp phần kiềm chế lạm phát.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,7%, tuy thấp so với các năm gần đây nhưng vẫn để lại dấu ấn thể hiện sự chuyển dịch theo hướng “tinh” của công nghiệp Thủ đô, bởi ngành chế biến, chế tạo chiếm tới hơn 96% giá trị sản xuất toàn ngành. Thực tế đó cũng minh chứng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Riêng kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,72 tỷ USD và giữ vị trí thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bạc Liêu), thể hiện rõ tầm vóc và sức hấp dẫn của Thủ đô trong mắt nhà đầu tư quốc tế, cũng là biểu hiện về môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện.

Mặc dù đối diện thách thức, bất lợi, song hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tối đa; bảo đảm đầu vào cho thu ngân sách. Năm qua, thu ngân sách đạt hơn 280 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2019 và đưa Hà Nội trở thành một trong số ít địa phương đạt kết quả ấn tượng như vậy. Doanh thu bán lẻ tăng tới 10% nhờ tác động tích cực từ hoạt động khuyến mại, kích cầu trên địa bàn; bảo đảm cung - cầu và ổn định thị trường cũng như bảo đảm đầu ra cho hoạt động sản xuất.

Năm 2020, doanh thu bán lẻ tại Hà Nội tăng 10% nhờ tác động tích cực từ hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại trung tâm thương mại Aeon Long Biên (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Tiếp đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ cấu kinh tế Hà Nội có sự chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng rõ rệt. Về cơ cấu nội ngành, tăng dần hướng sản xuất công nghệ cao, sự gia tăng và đóng góp của các ngành công nghệ và thiết bị công nghệ cao hơn. Vì vậy, năm 2020 kinh tế Hà Nội tăng trưởng 3,98% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,67% là thành công, cho thấy sự tăng trưởng thực chất và hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, những năm qua, thành phố đã chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại nhưng vẫn cần có sự tập trung thông qua gia tăng giá trị, chất lượng của sản phẩm. Từ đó, vấn đề đặt ra là tập trung thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo sức bật mới. Hà Nội đang có thêm cơ hội để đẩy nhanh tiến trình thay đổi phương thức sản xuất, thông qua công nghệ cao và tăng tính tự chủ nhờ tận dụng năng lực của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhất là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia chuẩn bị khởi công. Qua đó có thể du nhập, ứng dụng các tiến bộ công nghệ phục vụ sản xuất, tập trung cho xuất khẩu hàng hóa chất lượng cao. 

Chia sẻ về hướng phát triển thời gian tới, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính nhìn nhận, việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Hà Nội trong năm 2020 đã gặt hái kết quả đáng kể. Năm 2021 sẽ là năm kế thừa, phát huy những gì đạt được từ năm trước để tạo sức bật mạnh hơn, xa hơn. Hà Nội cũng cần nhân lên những điểm mạnh, tính đi đầu trong cải cách như một đặc trưng của Thủ đô để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như vươn lên thứ bậc cao hơn trong bảng xếp hạng cả nước. Các thủ tục về hành chính tại Hà Nội đã từng bước được số hóa, đơn giản hóa, từ đó giúp nhà đầu tư triển khai dự án thuận tiện hơn. Điều đó sẽ tiếp tục giúp lượng vốn đầu tư vào Hà Nội tăng lên, tạo sức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung khai thác những điều kiện, cơ hội thuận lợi khác như đổi mới trong cơ chế quản lý; kết quả tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020; sự hoàn thiện bộ máy, hiệu quả trong thực thi công vụ. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã quen với trạng thái “bình thường mới” của nền kinh tế và trở nên năng động, tích cực hơn. Tổng hòa những yếu tố trên, dự đoán năm 2021 Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%.

Sơn - Hương