Thúc đẩy cải cách, tạo đà phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 01/01/2021
- Ông nhận xét gì về tình hình doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta năm 2020?
- Năm 2020, nền kinh tế của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do dịch Covid-19; trong đó cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp do đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường tiêu thụ. Theo thống kê, hơn 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019.
Tuy nhiên, nhờ sự điều hành đúng đắn, giải pháp phù hợp và kịp thời, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đạt 2,91%, là mức cao trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng đạt kết quả tốt, trở thành động lực của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ suy giảm nhẹ... Những thực tế trên thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trước giới đầu tư quốc tế.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân để chúng ta đạt được kết quả khả quan trên?
- Những thành công về kinh tế là nhờ nỗ lực của các cấp, ngành trong việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Quốc hội đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư…
Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Tháng 5-2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động vượt khó, nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp cố gắng có đơn hàng, dù nhỏ để bảo đảm việc làm, có thu nhập cho người lao động.
Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (phê chuẩn tháng 6/2020), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (ký kết ngày 15-11-2020) và gần đây là kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Vương quốc Anh bên cạnh Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ dệt may Việt Nam - Hàn Quốc.
- Năm 2021 cần có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế, thưa ông?
- Dự báo, năm 2021 kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp nhanh chóng giải quyết các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp, cũng như tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do. Cụ thể, về nguồn nhân lực, doanh nghiệp mong muốn có chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết nhất. Chúng ta phải có các Chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể cho từng ngành nghề, chú trọng công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi đầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động trong 5-10 năm tới.
Về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp mong Chính phủ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông bảo đảm kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm đến các cửa khẩu quốc tế; phát triển hệ thống logistics. Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mặc dù là công việc của từng doanh nghiệp, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn Chính phủ hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao; thiết lập cổng thông tin về thị trường và kết nối kinh doanh…
Ở trong nước, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, như kiểm tra chất lượng hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
- Về cải cách hành chính, cộng đồng doanh nghiệp có những kiến nghị gì?
- Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với trọng tâm là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành có thể rà soát và tối ưu hóa quy trình, thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Triển khai việc xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành và địa phương thực thi đầy đủ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Tiếp tục giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, như cung cấp thông tin về thị trường, vốn, lao động.
- Trân trọng cảm ơn ông!