Du lịch Việt Nam "vượt bão", kỳ vọng sớm phục hồi

Du lịch - Ngày đăng : 08:40, 02/01/2021

(HNMO) – Du lịch Việt Nam đã bước qua một năm đầy thách thức, gian nan vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bị "đóng băng" rồi nỗ lực "phá băng", ngành Du lịch đã chèo chống vượt qua khủng hoảng. Trước khó khăn, thách thức đã được định hình rõ hơn, năm 2021, du lịch Việt Nam xác định rõ mục tiêu để chủ động kế hoạch sớm phục hồi.

 Công ty du lịch Flamingo Redtours đón đoàn khách "xông đất" tại Phú Quốc.

"Vượt bão" để thấy điểm sáng

Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá năm 2020, lượng khách quốc tế toàn cầu ước giảm 70-75%, tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách. Du lịch Việt Nam không nằm ngoài "vòng xoáy" thiệt hại đó.

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng. 

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có sự phục hồi nhanh ở nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Ngành Du lịch nhanh chóng đưa ra các chiến lược để "vượt bão", phục hồi thị trường. Tháng 5-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"; tháng 9-2020 tiếp tục phát động kích cầu giai đoạn 2 với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Cả hai chương trình hành động đều xác định rõ phải tập trung vào thị trường nội địa.

Nhìn lại một năm thực hiện các biện pháp phục hồi du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, chương trình kích cầu đã đem lại kết quả rõ rệt, trong đó điểm sáng là đã tạo được sự liên minh, liên kết, chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp. Điều này bước đầu tạo hiệu quả rõ nét trong việc khôi phục thị trường, có thời điểm, lượng khách nội địa tăng mạnh trở lại, đặc biệt trong tháng 6 và tháng 7-2020. Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến và mở đường bay mới để đáp ứng nhu cầu du khách.

"Dịch Covid-19 là phép thử lớn buộc các đơn vị phải nỗ lực thay đổi để thích ứng với tình hình du lịch mới, nhanh chóng chuyển đổi số và đẩy mạnh việc nghiên cứu thị trường, ra mắt sản phẩm mới để tồn tại", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Kết quả từ những nỗ lực kiểm soát tốt dịch Covid-19, giữ gìn điểm đến an toàn, đổi mới sản phẩm du lịch đã mang lại cho ngành Du lịch Việt Nam sự ghi nhận từ thế giới. Năm 2020, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh du lịch toàn cầu.

Việt Nam đã vượt qua các ứng viên để giành giải thưởng "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020" của Tổ chức World Travel Awards (WTA). Trước đó, Việt Nam cũng chiến thắng các hạng mục khu vực, như: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng đầu 16 hạng mục khác ở các lĩnh vực lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, resort... 

Kỳ vọng mới

Các đơn vị lữ hành đã có những chuyến khởi hành thuận lợi đầu năm 2021.

Tại cuộc họp với ngành Du lịch do UBND thành phố Hà Nội chủ trì vào ngày 31-12-2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã nhận định về kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, ngành Du lịch định hướng tiếp tục khai thác mạnh thị trường nội địa, chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm "Liên kết, hành động và phát triển". Song song với đó là xây dựng các phương án, chủ động đón khách du lịch quốc tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Trong bức tranh chung, du lịch Thủ đô cũng xác định rõ hướng đi trong năm 2021 là tập trung vào thị trường nội địa. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, năm 2021, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn của khu vực, như SEA Games 31, ASEAN Para Games 11, trong đó có nhiều nội dung quan trọng diễn ra tại Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội lớn để quảng bá, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô, các đơn vị cần xác định "thời điểm vàng" của du lịch Hà Nội trong năm tới, chú trọng gắn hoạt động du lịch với các sự kiện lớn. 

Trong ngày đầu năm mới 2021, nhiều tín hiệu tích cực về sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam được nhen nhóm. Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác như thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình... tổ chức đón các đoàn khách đầu tiên với kỳ vọng cho một năm mới nhanh chóng hồi sinh.

Tại Hà Nội, ngay trong đầu năm mới, nhiều công ty du lịch đã có những chuyến "xông đất" tưng bừng, đưa nhiều đoàn khách đi du lịch. Điển hình như Công ty du lịch Hanoitourist đưa gần 500 khách đi Đông Tây - Bắc, miền Trung, Côn Đảo; công ty du lịch VietSense đưa 20 đoàn với gần 500 khách đi cung đường Đông - Tây Bắc; công ty du lịch Flamingo Redtours có nhiều đoàn với hơn 300 khách "xông đất" ở Phú Quốc, Hà Giang, Lai Châu, miền Tây...

Những tín hiệu vui của ngành Du lịch trong đầu năm mới mang đến nhiều hy vọng vào việc sớm phục hồi thị trường. 

Hoàng Lân