Gỡ vướng trong quy hoạch thoát lũ sông Đáy

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 04/01/2021

(HNM) - Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư xây dựng, vi phạm phát sinh nhưng khó xử lý dứt điểm... là những vướng mắc của Hà Nội sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy. Để phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng, chống thiên tai, Sở NN&PTNT Hà Nội đang đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong triển khai quy hoạch này.

Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy của một công trình trên địa bàn huyện Phúc Thọ (ảnh chụp tháng 10-2020). Ảnh: Kim Văn

Những vi phạm, vướng mắc điển hình

Xây dựng từ hơn 20 năm trước, Trường Mầm non xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp..., không đáp ứng nhu cầu học tập và tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Trước thực trạng này, huyện Phúc Thọ đã bố trí hơn 25 tỷ đồng xây dựng ngôi trường mới thay thế. Tuy nhiên, do nằm trong Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy nên dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Tương tự Vân Phúc, 8 xã khác của huyện Phúc Thọ nằm trong khu vực lòng hồ Vân Cốc cũng chưa được phép đầu tư mở rộng quy mô các công trình giáo dục, y tế, văn hóa...

Cũng giống với trường hợp của Phúc Thọ, nhiều xã, thị trấn thuộc địa bàn các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa... không thể triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc khai thác bãi sông để phát triển kinh tế - xã hội... vì những vị trí đề xuất đầu tư xây dựng công trình nằm trong quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy.

Giải thích thêm vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường cho biết: "Huyện có 8 xã nằm ven sông Đáy rất cần đấu giá quyền sử dụng đất để vừa đáp ứng nhu cầu giãn cư của người dân vừa có kinh phí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch thoát lũ nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội...".

Thực tế khác còn tồn tại, đó là một số tổ chức, người dân cố tình vi phạm pháp luật đê điều, quy hoạch. Lý giải việc chưa chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng là tự tháo dỡ công trình xây dựng trong hành lang thoát lũ sông Đáy, bà Nguyễn Thị Hiên, người dân xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) cho biết: "Bảy, tám đời nay, gia đình tôi đã ở đây. Thửa đất cũng đã được cấp sổ đỏ. Khi nào Nhà nước triển khai dự án, gia đình tôi sẽ tự nguyện thực hiện đúng quy định pháp luật". Huyện Ứng Hòa hiện còn 17 trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, quy hoạch nhưng chưa xử lý dứt điểm như trường hợp của gia đình bà Hiên.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự giải tỏa công trình và sẽ kiên quyết xử lý vi phạm... Tuy nhiên, để người dân ổn định chỗ ở, tích cực phối hợp với chính quyền trong bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, huyện Ứng Hòa kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông xây dựng mới một số công trình phục vụ dân sinh...

Nhiều đề xuất trên cơ sở thực tiễn

Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện tại, Sở NN&PTNT đã hoàn thành cắm mốc chỉ giới thoát lũ và đê điều sông Đáy ngoài thực địa theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng. Căn cứ vào đó, các địa phương cần khẩn trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để tạo thuận lợi cho công tác quản lý và thực hiện quy hoạch...

Theo tính toán, Hà Nội sẽ phải di dời 18.896 hộ dân để bảo đảm thoát lũ sông Đáy trong trường hợp tuyến đê hữu Hồng bảo vệ khu vực nội thành gặp sự cố... Đây là nhiệm vụ rất khó khăn với Hà Nội. Trên cơ sở thực tế, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ không di dời dân cư sinh sống trong phạm vi hành lang sông 500m mà chỉ di dời 673 hộ dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực dự kiến nạo vét lòng sông với bề rộng 100m, tính từ tim sông...

Cùng với đó, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực ưu tiên đầu tư cho công tác quản lý quy hoạch, nâng cấp các đường tràn, củng cố, xây dựng mới các tuyến đê khu vực bờ hữu sông Đáy ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức để chống lũ; sửa chữa, cải tạo công trình đầu mối phân lũ sông Đáy, hoàn thành việc cải tạo lòng dẫn bảo đảm khả năng chuyển lũ cũng như đưa nước thường xuyên từ sông Hồng vào sông Đáy trong mùa kiệt...

“Trong khi chờ cấp thẩm quyền giải quyết, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ chính quyền cấp cơ sở và người dân về vai trò đặc biệt quan trọng của sông Đáy trong phòng, chống lũ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch, pháp luật đê điều, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai...”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Kim Nhuệ