Vì bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc
Giới trẻ - Ngày đăng : 14:04, 05/01/2021
Bài đầu: “Chống dịch như chống giặc”
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tháng 2-2020 tại Việt Nam đến nay, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận luôn trong tình trạng sẵn sàng “chống dịch như chống giặc”. Dù đặc thù địa bàn khác nhau, song để thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” trên, các anh không quản ngại ngày - đêm, mưa - nắng, thiếu thốn cơ sở vật chất, luôn bám địa bàn để sát cánh cùng nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”.
“Ăn lán, ngủ rừng” để phòng, chống dịch
Được giao nhiệm vụ quản lý 10,5km đường biên giới đất liền tiếp giáp với Campuchia và phụ trách địa bàn xã Thuận Hà (huyện Đắk Song), Đồn Biên phòng Đắk Tiên là đơn vị quản lý nhiều cột mốc biên giới nhất của tỉnh Đắk Nông, với 4 mốc chính và 10 mốc phụ. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để các đối tượng xâm nhập trái phép làm lây lan dịch trong cộng đồng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Sau gần nửa giờ chạy ô tô vòng theo tuyến biên giới với Campuchia nằm len lỏi giữa bạt ngàn cà phê và hồ tiêu, chúng tôi đã có mặt tại chốt kiểm soát biên giới (cộc mốc 53), đồng thời là chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Đắk Tiên. Đại úy Nguyễn Thành Sơn, Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Đắk Tiên, Tổ trưởng chốt 53 chia sẻ: “Từ tháng 2-2020 đến nay, chúng tôi được giao nhiệm vụ quản lý chốt này. Không chỉ tuần tra bảo đảm an ninh biên giới, chúng tôi còn luôn túc trực 100% quân số để ngăn chặn xâm nhập trái phép. Vì thế, mọi sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của anh em đều theo phương châm "4 tại chỗ" tại các lán, chốt".
Chỉ cho chúng tôi thấy những lối mòn nằm dọc sát biên giới với Campuchia trong khu rừng rậm này, Đại úy Nguyễn Thành Sơn giải thích, vào những ngày mưa to, gió lớn hoặc ban đêm thì nguy cơ xâm nhập trái phép qua đây càng lớn, nên anh em phải chia ca thay nhau đi tuần tra.
Rời cột mốc 53, chúng tôi đến thăm các cán bộ, chiến sĩ đang “trực chiến” tại chốt kiểm soát biên giới (cột mốc 50/11) nằm cách đó vài kilômét. Vừa cài lại đường ống nước dẫn từ suối về để sinh hoạt hằng ngày, Đại úy Phan Thế Hoàng, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy Đồn Biên phòng Đắk Tiên, phụ trách chốt 50/11 nói: “Hôm nay, đoàn mình đến thời tiết tạnh ráo còn đỡ, chứ vào ngày mưa thì mỗi lần lên chốt là một cuộc “vật lộn” với con đường rất trơn và lầy lội này. Mưa đi lại vất vả nhưng bù lại anh em có nước để sinh hoạt, tắm giặt hằng ngày. Xác định "chống dịch như chống giặc" nên chúng tôi luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Nếu như việc kiểm soát dịch trên biên giới đất liền gặp nhiều khó khăn do có các đường mòn, lối mở len lỏi trong rừng rậm, thì công tác này trên biển cũng phức tạp không kém vì lượng thuyền đánh cá cập cảng hằng ngày rất nhiều.
Được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực an ninh biên giới biển có chiều dài 28km, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Lộc (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) xác định đây là địa bàn trọng điểm về quốc phòng và an ninh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội, nên công tác phòng, chống dịch cũng vì thế mà đòi hỏi cao hơn.
Đưa chúng tôi đi thăm cảng cá La Gi vào buổi sáng khi các ngư dân đang tấp nập đóng hàng sau chuyến đánh bắt trở về, Đại úy Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Lộc chia sẻ: “Cảng cá này do đơn vị quản lý có khoảng 2 nghìn tàu cá neo đậu mỗi ngày. Với lượng tàu cá ra - vào cảng lớn, công tác phòng, chống dịch ở đây không hề đơn giản. Do đặc thù công việc, ngư dân ít khi có mặt ở nhà vì liên tục đi đánh bắt xa bờ, nên trong thời gian bùng phát dịch vừa qua, chúng tôi phải đi từng tàu, hoặc thông báo qua hệ thống thông tin liên lạc giám sát hành trình để tuyên tuyền, hướng dẫn ngư dân cách phòng, chống dịch Covid-19”.
Sát cánh cùng nhân dân chống dịch
Xã biên giới Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) có hơn 30% dân số là đồng bào M'nông sống tập trung tại 2 bon Sar Pa và Bu Đắk. Bà con thường có mối quan hệ thân tộc và thường xuyên qua lại thăm thân với người dân Campuchia. Trên địa bàn xã có cửa khẩu Đắk Preu, nên nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn rất cao. Nhận rõ tính chất phức tạp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông đã chọn Thuận An là một trong những địa bàn trọng điểm để tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19.
Bám chốt kiểm soát Covid-19 số 2 từ tháng 2-2020 đến nay, Thiếu tá Vũ Thế Lương, Đội phó đội kiểm soát hành chính - Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An chia sẻ: “Chốt kiểm soát này chỉ cách Campuchia một con suối nhỏ. Trước kia, đây là một trong những vị trí có nguy cơ cao về xâm nhập trái phép, nên chúng tôi đã mượn lán trông cà phê của người dân để làm chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Nhiệm vụ này khá phức tạp bởi hằng ngày lượng người ra - vào làm rẫy nhiều, nên chúng tôi rất cần ý thức tự giác, cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân”.
Theo Trung tá Doãn Văn Tiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã triển khai các nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như tập trung, thông qua hệ thống loa truyền thanh lưu động, hệ thống bảng tin, panô, băng rôn, áp phích, đến từng nhà.
“Tài liệu tuyên truyền được biên dịch, thu âm bằng tiếng dân tộc thiểu số để giúp đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện. Qua đó, người dân nâng cao hơn nhận thức, ý thức trong phòng, chống dịch” – Trung tá Doãn Văn Tiến nhấn mạnh.
Do đặc thù biên giới trên biển khá phức tạp, nên công tác phòng, chống dịch nhờ vào sự chung tay cộng đồng trách nhiệm rất lớn của người dân. Đại tá Chu Văn Tấn, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã làm thủ tục xuất - nhập cảnh cho 216 lượt tàu, thuyền nước ngoài đến cảng quốc tế Vĩnh Tân, với hơn 4 nghìn thủy thủ. Dù tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhưng đến nay chưa xảy ra trường hợp nào lây lan qua cửa khẩu cảng quốc tế này. Hiện, chúng tôi vẫn bố trí các cán bộ biên phòng cắm chốt 24/24 tại các trạm kiểm soát để bảo đảm không xảy ra sự cố đáng tiếc nào”.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dù “ăn lán, ngủ rừng” hay không ngừng bám biển, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc luôn bám chặt địa bàn, không để dịch bệnh xâm nhập. Với các chiến sĩ mang quân hàm xanh, được góp phần bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là hạnh phúc mỗi ngày.
(Còn nữa)