Thủ đô Hà Nội trong cuộc Tổng tuyển cử
Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 05/01/2021
1. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Sau đó, một số sắc lệnh cũng được ban hành để chuẩn bị cho công tác bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu.
Tuy nhiên, quan thầy Mỹ, quân đội Tưởng và bọn tay sai phản cách mạng điên cuồng chống phá Tổng tuyển cử. Chúng ngang ngược đề nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một chính quyền gồm ba lực lượng: Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Mặt trận Việt Minh.
Ngày 24-10-1945, Việt Quốc, Việt Cách đòi Chính phủ Hồ Chí Minh nhượng cho chúng nắm giữ các bộ quan trọng trong Chính phủ: Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Kinh tế, Giáo dục, Kiều vụ; lại thêm hai chức Tổng lý nội các và Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Chúng ngang nhiên tổ chức ám sát, bắt cóc giữa Thủ đô: Giết hại đồng chí Trần Đình Long, cán bộ ngoại giao; ám sát hụt ông Bồ Xuân Luật, Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ; bắt cóc ông Trương Trung Phụng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; bắt cóc hụt bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội… Chúng tự cho mình quyền “giữ an ninh trong thành phố”, tổ chức biểu tình chống Việt Minh. Các phương tiện tuyên truyền của chúng ra rả đòi Chính phủ lâm thời phải từ chức.
Để cho cuộc bầu cử tại Thủ đô - nơi tập trung các cơ quan đầu não của Nhà nước, giành thắng lợi, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài nhượng bộ kẻ địch đã có chủ trương hết sức sáng suốt: Tránh khiêu khích, nhưng phải đưa quần chúng ra đấu tranh, vạch mặt và cô lập bọn phản động.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng, Thành bộ Việt Minh đã tăng cường tuyên truyền, đồng thời đi sâu vận động quần chúng. Trong đó, hội viên các Hội Cứu quốc (công nhân, phụ nữ, thanh niên, nông dân, phụ lão) làm nòng cốt, thực hiện đoàn kết toàn dân, ủng hộ Chính phủ. Các nhà công thương gia tích cực ủng hộ tài chính cho Chính phủ. Tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên tham gia nhiều hoạt động văn hóa - xã hội. Công chức tự nguyện làm việc không lương. Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu làm lực lượng mũi nhọn cho quần chúng phá các cuộc mít tinh biểu tình của bọn phản cách mạng ở Bách Thảo (12-11-1945), chợ Đồng Xuân, Bờ Hồ (12-12-1945), Quán Thánh (14 và 20-12-1945) biến thành cuộc mít tinh của quần chúng ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh.
Ngày 11-12-1945, nhân dân ngoại thành họp và gửi bản kiến nghị lên Chính phủ: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Đáp lại sự tín nhiệm cao và tấm lòng tin yêu của đồng bào, Người gửi thư cảm tạ và nêu rõ: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa”.
2. Ðể mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Công tác tuyên truyền cho bầu cử được tiến hành đa dạng trên các phương tiện thông tin. Báo Cứu quốc số 130, ra ngày 31-12-1945 đã đăng bài Ý nghĩa Tổng tuyển cử do chính tay Bác viết, để nhân dân hiểu rõ: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử... hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân...”.
Ở các khu phố và làng xã Thủ đô, danh sách các ứng cử viên được niêm yết công khai tại điểm bầu cử. Các hội và đoàn thể cứu quốc tổ chức đoàn xe tuyên truyền nhiều cách phong phú, kể cả đoàn xe xích lô đi diễu hành, có pa nô, áp phích “Tất cả cử tri hãy đến thùng phiếu” cổ động và hát những bài ca cách mạng.
15h ngày 5-1-1946, Thành bộ Việt Minh đã huy động hơn 2 vạn quần chúng, tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), để ủng hộ cuộc bầu cử. Thay mặt 6 ứng cử viên ứng cử tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.
Ngày 6-1-1946, nhân dân Hà Nội đã sống ngày lịch sử trọng đại trong không khí rộn rã, tưng bừng, náo nức lòng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến địa điểm bỏ phiếu ở phố Hàng Vôi. Sau đó, Người đi thăm hỏi cử tri ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Yên Thái… Hình ảnh vị Chủ tịch nước giản dị, gần gũi trong ngày bầu cử, càng động viên nhân dân tin tưởng Chính phủ.
Ở Ngũ Xã, mặc dù bọn tay sai phản động dùng vũ khí, ngăn cản không cho cử tri đến hòm phiếu, cử tri vẫn sang khu Nguyễn Thái Học để bầu. 91,95% cử tri Thủ đô đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Sáu ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đã trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
16h ngày 12-1-1946, Thành bộ Việt Minh Hà Nội huy động 5 vạn dân, mít tinh tại Việt Nam học xá, mừng thắng lợi của Tổng tuyển cử. Thay mặt các đại biểu đã trúng cử Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn và biểu dương nhân dân Hà Nội và cả nước, trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp đã làm tròn nhiệm vụ của người công dân yêu nước.
Thắng lợi của cuộc bầu cử tại Thủ đô, trái tim của cả nước, đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I: “Đó là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.