Quận Hoàng Mai phải trở thành động lực phát triển phía Nam Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 08:46, 05/01/2021
Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và cán bộ chủ chốt quận Hoàng Mai.
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trăn trở và mong muốn của lãnh đạo thành phố là Hoàng Mai với lợi thế hiện có phải hiện thực hóa khát vọng, phấn đấu để trở thành một “cực tăng trưởng”, trở thành động lực lan tỏa kéo khu vực phía Nam Thủ đô phát triển theo.
Kiến nghị 6 nhóm vấn đề
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực quyết tâm cao, quận đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, quận vừa tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, vừa phòng, chống dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế. Tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu của quận vẫn tăng 7,74% so với năm 2019. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn kết thúc năm 2020 đạt 6.160 tỷ đồng, bằng 102% dự toán. Quận đã đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố giao. Kết quả năm 2020 đã giúp quận đạt và vượt 22/22 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ quận đề ra.
Mặc dù kinh tế duy trì tăng trưởng khá nhưng vẫn đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp so với yêu cầu. Một số phường trên địa bàn còn để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, xử lý chưa kiên quyết, triệt để...
Quận ủy Hoàng Mai nêu 12 kiến nghị thuộc 6 nhóm lĩnh vực với thành phố. Đáng chú ý, quận kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng bãi phân khu đô thị sông Hồng, trong đó có 4 phường của quận Hoàng Mai. Quận cũng đề nghị chuyển giao quyền làm chủ đầu tư cho UBND quận đối với tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp, đoạn từ đường Vành đai 2,5 đến đường Vành đai 3 và tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng, thuộc dự án khu chức năng đô thị Trũng Kênh.
Quận cũng kiến nghị 6 dự án giao thông đề nghị thành phố bố trí vốn giai đoạn 2021-2025, trong đó có tuyến đường Tam Trinh, một trong 3 dự án chuyển tiếp.
Nguồn thu vẫn dựa nhiều vào quỹ đất
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đến nay, quận Hoàng Mai đã được thành lập 17 năm, ở tuổi 17 đầy sức trẻ, quận phải định hướng thế nào để 3 năm nữa, khi kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, có bước phát triển đột phá. Hiện nay, nguồn thu của quận vẫn dựa nhiều vào quỹ đất, thu 100 đồng thì có tới 53 đồng từ đất đai.
“Sau này khi không còn đất nữa thì “nguồn thu dựa vào đâu”? Hiện nay, có những quận, đô thị rất phát triển, toàn nhà cao tầng long lanh, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ được 55 triệu đồng/người/năm. Nên quận Hoàng Mai phải phát triển theo hướng nào, cơ cấu kinh tế ra sao, lấy gì làm động lực để có nguồn thu bền vững như quận Hoàn Kiếm chỉ có hơn 5km2, nhưng thu ngân sách năm nay khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó chỉ có 1.300 tỷ đồng từ đất đai? Cấp ủy Đảng phải làm gì để lãnh đạo, chỉ đạo?”, Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi.
Về những vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quận Hoàng Mai hầu như không có hạ tầng giao thông khung, hiện nay mới đạt tỷ lệ 2km đường giao thông/km2 (tiêu chuẩn là 10km đường giao thông/km2). Nguyên nhân chính là vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyễn Phong cũng khẳng định, chỉ có tập trung đầu tư phát triển giao thông để tháo gỡ khó khăn hạ tầng hiện nay, quận Hoàng Mai mới có thể “cất cánh”. Ngoài ra, Khu B Công viên Yên Sở với diện tích 125ha (được phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 5-2020) là dự án có tính động lực cần được tập trung đầu tư.
Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, quận Hoàng Mai phải tập trung phát triển thương mại, dịch vụ; trước hết là tập trung cho dự án Trung tâm thương mại Aeon ở khu Giáp Bát là dự án có tính động lực.
Nhất trí cao với các kiến nghị của quận, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đều khẳng định, thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho quận, trước hết là thực hiện các dự án giao thông như đề xuất.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhận định, những hạn chế, tồn tại của quận Hoàng Mai vừa qua chủ yếu do công tác cán bộ và mấu chốt để có bước phát triển trong thời gian tới cũng phụ thuộc vào công tác cán bộ. Đây thực sự là khâu đột phá mà quận phải quan tâm.
Lập danh mục dự án động lực để tập trung thực hiện
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhận định, 17 năm qua, nhất là nhiệm kỳ 2015-2020, quận Hoàng Mai đã có bước phát triển tích cực, minh chứng cho chủ trương thành lập quận là đúng đắn. Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện rất khó khăn, quận đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Sau đại hội, cán bộ chủ chốt thể hiện tinh thần đoàn kết, có khát khao cống hiến, mong muốn đưa quận phát triển lớn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy, quận Hoàng Mai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển như đất rộng, dân số đông, là cửa ngõ phía Nam thành phố, giao thông liên kết thuận lợi với các vùng, các tỉnh lân cận... Nhưng nhìn chung, quận còn rất nhiều việc phải làm vì trên các lĩnh vực đều còn những hạn chế, tồn tại, nhất là hạ tầng còn nhiều bất cập, lạc hậu, manh mún; đô thị phát triển nhưng chưa gắn với kinh tế đô thị; thương mại, dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp chưa định hình rõ nét...
Bí thư Thành ủy chỉ đạo, sau cuộc làm việc, quận phải có kế hoạch hành động rất quyết liệt, trước mắt là xác định rõ phương hướng, mục tiêu trong 3 năm tới đến mốc kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận, 5 năm, 10 năm và 25 năm tới. Trong đó, quận phải lên danh sách dự án mang tính động lực như các dự án giao thông, Khu đô thị Gamuda, Khu B Công viên Yên Sở, Trung tâm thương mại AEON; tháo gỡ vướng mắc di dời bến xe phía Nam; phối hợp cùng các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh bất cập về quy hoạch 1/500 các khu đô thị...
“Thành phố sẽ thúc đẩy sớm việc xin ý kiến các bộ, ngành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng. Sở Xây dựng Hà Nội cần sớm tham mưu, rà soát quy hoạch để giải quyết sinh kế cho bà con vùng bãi. Đây là vấn đề rất quan trọng”, Bí thư Thành ủy nói.
Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu, quận phải coi giải phóng mặt bằng là khâu đột phá; đăng ký với thành phố là đơn vị đầu tiên thí điểm quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn mà Thủ tướng Chính phủ đã cho phép; đăng ký xây dựng mô hình một khu đô thị văn minh và mô hình đội quản lý trật tự xây dựng kiểu mẫu của thành phố...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, Quận ủy Hoàng Mai phải tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn 2020-2025; lấy sản phẩm để đánh giá cán bộ; đào tạo cán bộ toàn diện, đưa cán bộ vào thực tiễn để đào tạo.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, trước mắt, quận tập trung tham gia bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chăm lo tổ chức, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, an toàn, trong đó phải đặt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Đồng chí chúc quận Hoàng Mai sẽ có bước tiến mạnh để 3 năm tới sẽ phát triển xứng đáng với sự kỳ vọng của lãnh đạo thành phố Hà Nội và nhân dân.
Tiếp thu ý kiến của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu hứa sẽ triển khai thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, quyết tâm tạo bước đột phá, xây dựng quận Hoàng Mai xứng đáng là quận trung tâm phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận.